Phương án thứ nhất là công ty hóa các PMU, tức tách ra khỏi cơ quan chủ quản và hoạt động như một công ty độc lập. Đề xuất như vậy, song Bộ Kế hoạch Đầu tư lo ngại thiếu khả thi vì không phải tất cả PMU đều có thể một sớm một chiều trở thành doanh nghiệp, hơn nữa đơn vị nào sẽ quản lý dự án trong khi chờ PMU chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Phương án hai là duy trì PMU nhưng hạn chế chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Với cơ quan chủ quản có nhiều dự án, áp dụng mô hình này sẽ xảy ra ách tắc trong xử lý công việc.
Phương án ba là gắn trách nhiệm PMU với dự án cả khi đưa nó vào khai thác sử dụng, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện dự án. Đây là phương án được Bộ xem là khả thi nhất hiện nay.
Đại diện nhà tài trợ ODA trao đổi về PMU với tiến sĩ Dương Đức Ưng, Cố vấn Chương trình nâng cao năng lực toàn diện quản lý ODA (bên phải). Ảnh: P.A. |
Tại Diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã mổ xẻ mô hình PMU và phân tích những bất cập của nó. PMU 18 có tài khoản, có con dấu, tức có tư cách pháp nhân. Đây là mô hình quản lý khép kín, thiếu minh bạch, thiếu sự giám sát của các Bộ, ngành liên quan. PMU lại đảm nhiệm tất cả các khâu từ lập dự án mời thầu và chấm thầu, vô hình trung tạo cho họ quyền lực giúp các nhà thầu thân quen (các doanh nghiệp “sân sau”) trúng thầu để rút tiền Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, tới đây các Ban quản lý được thành lập sẽ hoạt động chuyên nghiệp theo mô hình tư vấn quản lý dự án, lấy phí tư vấn để hoạt động chứ không ăn lương ngân sách. Ban quản lý là người đại diện của chủ đầu tư, nhưng ông chủ ở đây có chức năng quản lý khai thác công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng chứ không phải ông chủ danh nghĩa như trước.
Viện trưởng Khoa học tài chính Hồ Xuân Phương cũng nhận xét, nếu cắt khúc chủ đầu tư ra riêng, quản lý riêng thì hiệu quả sử dụng quản lý vốn rất kém. Tuy nhiên, gắn PMU về đơn vị tiếp nhận công trình sau này như mô hình Bộ Giao thông vận tải dự kiến giao cho Cục Đường bộ VN quản lý ODA thay mình thì vẫn chưa ổn vì chưa chống được khép kín, không khá hơn mô hình PMU 18.
Về phần mình, đại diện các PMU cho rằng, các Ban quản lý dự án tồn tại dưới rất nhiều dạng, từ PMU ngân sách, PMU vốn ODA cho vay lại, PMU kinh doanh, thay đổi hay áp dụng chung một mô hình là phi thực tế. Hơn nữa, không phải PMU nào cũng được trao nhiều quyền, lắm dự án như PMU18. Một số Ban quản lý cũng phải phụ thuộc cơ chế xin cho, giải thích gãy lưỡi với cơ quan quản lý Nhà nước để làm thủ tục.
Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) Trần Văn Lục cho biết, họ có 10 dự án mà chưa quyết toán được cái nào. Theo quy định, PMU báo cáo chi tiết tài chính 6 tháng một lần, nhưng Sở Tài chính chờ đến khi quyết toán mới kiểm tra sổ sách, quyết toán năm thường được cơ quan thuế thực hiện chậm hoặc chỉ tiến hành khi có yêu cầu của doanh nghiệp. Khi thuế phát hiện có sai sót thì họ đã bị ngồi tù.
Phan Anh - Phong Lan