Kho lưu trữ thực phẩm (WareHouse) đầu tiên tại Việt Nam ra mắt sáng 8/11 trên đường số 2, TP Thủ Đức từ ý tưởng của anh Khởi, người sáng lập Ngân hàng thực phẩm FoodBank Việt Nam.
Là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh cung cấp thực phẩm miễn phí cho người yếu thế, thực hiện các hoạt động chống lãng phí thực phẩm ra đời năm 2016, FoodBank Việt Nam nằm trong mạng lưới toàn cầu với 53 nước thành viên.
Trước đó, từ đợt dịch Covid-19 thứ tư ở Sài Gòn hồi tháng 5, kho đã hoạt động với nhiệm vụ làm trung gian thu nhận thực phẩm của các nhà tài trợ chuyến đến tay người cần.
"Sau nhiều năm tổ chức hoạt động cung cấp bữa ăn cho người yếu thế, tôi thấy mình vẫn chưa chủ động được nguồn thực phẩm chất lượng, ổn định. Trong khi nhiều thực phẩm bị vứt bỏ lãng phí thì có nhiều người lại thiếu ăn", anh Khởi chia sẻ lý do thành lập WareHouse.
Hiện tại, kho được vận hành theo quy tắc, thực phẩm nhập từ các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, hộ nông dân đưa về kho, sau đó nhân viên sẽ phân loại, bảo quản đúng cách chờ chuyển đến cho các nơi cần như mái ấm, trại trẻ mồ côi hay các tổ chức thiện nguyện. Hệ thống kho bao gồm không gian chứa thực phẩm khô, đóng gói và kho trữ lạnh, trữ đông.
Sau nửa năm, kho đã có hơn 200 đối tác cung cấp thực phẩm và hơn 100 cơ sở tiếp nhận, hoàn toàn miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh Xuân, đại diện trung tâm Phát Huy Bình Triệu, TP Thủ Đức cho biết cơ sở của mình bắt đầu nhận thực phẩm từ WareHouse hồi tháng 7. Thời điểm đó, trung tâm đang nơi đang nuôi dưỡng 30 trẻ mồ côi và lần lượt nhiễm Covid. Việc tìm kiếm nguồn thực phẩm, giao dịch rất khó khăn. Anh Khởi đã gọi điện đến trung tâm ngỏ ý tặng thực phẩm hỗ trợ các em nhỏ. Từ đó đến nay mỗi tháng lại có hai chuyến hàng gửi đến trung tâm.
"Lần đầu hỗ trợ, anh Khởi chở đến một xe thực phẩm đủ loại từ gạo, rau củ và cả thịt, trứng. Hàng hóa tươi ngon, chất lượng nên chúng tôi rất trân quý", bà Xuân chia sẻ.
Suốt mùa dịch, hàng chục nhân viên, đầu bếp của FoodBank Việt Nam làm việc ba tại chỗ, sử dụng thực phẩm từ kho nấu hàng triệu suất ăn cho tuyến đầu và người dân khắp thành phố. Anh Khởi chia sẻ, nhờ có hệ thống kho lưu trữ lên đến hàng trăm tấn mỗi tháng mà bếp ăn có thể duy trì hoạt động mà không lo thiếu hay để thực phẩm hư hỏng.
Không chỉ gửi tặng các cơ sở lớn mà nhiều người dân khó khăn ở Sài Gòn cũng được nhận thực phẩm từ WareHouse. Bà Nguyễn Thị Minh, 60 tuổi ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cho biết, gần một năm nay nhiều thời điểm gia đình vượt qua được khó khăn nhờ thực phẩm từ kho lưu trữ. "Các em ở đây hay cho tôi thức ăn, lúc thì rau củ, trái cây, có hôm lại là cơm hộp nấu sẵn", người phụ nữ làm nghề nhặt ve chai chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc kết nối nguồn thực phẩm trao đến nơi cần, anh Khởi còn tác động đến các đối tác về việc ký một cam kết sử dụng tiết kiệm thực phẩm, bán trợ giá cho người khó khăn qua đó hình thành thói quen chống lãng phí thực phẩm.
Đầu năm 2022, lượng dưa hấu của nông dân Tây Nguyên trong tình cảnh phải bỏ đi hoặc bán giá vài trăm đồng một ký vì tắc cửa khẩu biên giới phía Bắc, anh đã mua hàng chục tấn dưa với giá 4 nghìn đồng để hỗ trợ nông dân rồi chuyển đến tặng cho các nơi cần.
Nguyễn Tuấn Khởi mong rằng, kho lưu trữ này là bước đệm, để nhiều kho khác sẽ ra đời ở Đồng Nai, Hà Nội... bằng việc mua nông sản trong các thời điểm dư như hiện tại để giúp người dân không bị ép giá, đồng thời đưa đến tay người cần.
Diệp Phan