Từ nhẹ nhàng năn nỉ đến quát tháo ầm ĩ, chị hầu như có thể làm mọi thứ chỉ để con ăn vài muỗng cơm, cháo.
Có hôm cả xóm trọ ngơ ngác với tiếng quát của chị và tiếng trẻ con khóc om sòm. Hôm đó đi chợ, thấy cá lóc đồng ngon nên chị bấm bụng mua cả con để về nấu cháo dinh dưỡng cá lóc. Vừa tốn tiền, vừa kỳ công nhưng con chỉ ăn vài muỗng là phun ra nên chị bực tức.
Một số bà mẹ khác, mỗi bữa ăn của con là dắt chúng đi từ đầu xóm trọ ra đầu hẻm rồi quay vào. Trẻ con vừa ăn vừa xem điện thoại, vừa chạy nhảy. Có người năn nỉ, hù doạ, nạt nộ để trẻ ăn nhanh.
Gần đây video của một hot TikToker với nội dung hù doạ trẻ ăn cơm nhanh chóng lan toả, được nhiều phụ huynh xem như là "bảo bối" để trị con ăn chậm. Họ còn quay video những đứa trẻ vừa ăn, vừa xem video, vừa khóc lóc nước mắt nước mũi chảy ròng ròng và xem đó là một trò vui.
Theo số liệu, những năm 90, tỷ lệ béo phì ở trẻ em Việt Nam chỉ khoảng 2-3%. Từ năm 2000 trở đi, khi kinh tế phát triển, tiêu thụ dinh dưỡng dư thừa và lối sống tĩnh, khiến tỷ lệ béo phì tăng mạnh. Cụ thể, tỷ lệ béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, chủ yếu ở thành thị.
Tôi thấy tội gì phải làm mọi cách để ép con ăn như thế? Trẻ con cũng như người lớn, bụng có đói thì mới ăn ngon và ăn no được. Trong khi ngày nay, trạng thái của trẻ con hầu như không có lúc nào là đói: uống sữa, ăn vặt, nằm xem điện thoại... Thức ăc được chêm vào liên tục, lại không có không gian chạy nhảy, vui đùa.
Năng lượng không được tiêu thụ, làm sao chúng đói để ăn ngon?
Minh Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.