Nhu cầu sử dụng điện thoại tăng cao. Ảnh: A.Tuấn. |
Cách thức quản lý đối với các thuê bao di động trả trước dù vẫn đang trong diện cân nhắc song đã nhận được ý kiến đồng tình của người tiêu dùng. Họ cho rằng, việc làm này sẽ góp phần hạn chế nạn gửi spam qua tin nhắn, gọi điện lúc nửa đêm gây bất an cho người sử dụng.
Chị Vân, chủ thuê bao số 095832xxxx phàn nàn chuyện liên tục bị quấy rối bằng các cuộc điện thoại từ số máy mà chị không biết. Có lần, chị đang nghỉ trưa thì bị dựng dậy vì tiếng điện thoại, cứ nhấc máy thì phía đầu kia tắt, bỏ máy thì thì lại nghe tiếng chuông. Chị dùng máy cơ quan để gọi lại, một giọng the thé phát ra từ phía đầu kia: "Nhạc của ấy hay tớ gọi để nghe ấy mà".
Nhiều ngày sau, cũng số máy này tiếp tục gọi để quấy rối dù chị không sử dụng nhạc chuông. "Khi tôi gọi điện nhờ nhà cung cấp dịch vụ can thiệp thì được biết, về nguyên tắc họ không được tiết lộ danh tính, hơn nữa đây là thuê bao trả trước nên không thể xác định đó là của ai. Chán nản, tôi buộc phải chuyển sang số khác", chị nói.
Chị Mỹ Dung ở Thanh Xuân - Hà Nội, người 4 lần thay số điện thoại di động bức xúc: "Tất cả những lần bị quấy rối, tôi nhờ người tra ra đều xuất phát từ thuê bao trả trước. Bất kể hình thức nào, thì việc "trói" các thuê bao di động cũng sẽ tốt hơn việc buông lỏng quản lý".
Theo chị, bên cách việc bắt các thuê bao trả trước phải khai báo những thông tin cá nhân, cơ quan quản lý cần có chế tài đối với các hành vi quấy rối qua điện thoại.
Trong vô vàn những lá thư gửi về VnExpress, nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, đã đến lúc, Bộ Bưu chính Viễn thông cần có những chế tài và cách thức quản lý đối với các thuê bao di động trả trước. Có như thế mới hạn chế được các tin nhắn nặc danh, những hành vi quấy rối gây bất an cho người sử dụng.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, nếu không thực hiện tốt, biện pháp hành chính này sẽ gây phiền hà cho người sử dụng, gây rối loạn thị trường. Anh Đào Dũng, một độc giả cho rằng, đây là việc làm không khả thi và kiên quyết phản đối. Theo anh, nếu "trói" thuê bao trả trước bằng cách bắt phải xuất trình giấy tờ và đăng ký giống như thuê bao trả sau sẽ khiến khiến khách hàng cảm thấy bị mất tự do. "Tôi là người đàng hoàng, không làm gì hại ai song vì muốn tự do nên sử dụng dịch vụ di động trả trước", anh nói.
Theo anh, những bất cập liên quan đến an ninh, quấy rối, hacker... xảy ra thời gian qua là tất yếu của một thị trường tự do. Do vậy, không cần các biện pháp mệnh lệnh hành chính vẫn có thể quản lý được mà không ảnh hưởng đến quyền tự do thông tin cá nhân và thị hiếu của người sử dụng.
"Nếu không quản được thì cấm hoặc vì bất kể lý do nào cũng sẽ khiến người tiêu dùng khó chịu. Và biết đâu khi các doanh nghiệp quản lý rồi thì lại sử dụng các quyền ấy để can thiệp vào cuộc sống riêng tư của khách hàng. Khi đó sẽ chẳng ai muốn dùng di động nữa", anh nói rõ hơn về quan điểm của mình.
Anh Trần Tuấn Kiệt, một độc giả khác cũng cho rằng, đây chẳng khác nào chính sách "mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy". "Khi mới đưa ra dịch vụ sao các doanh nghiệp không tính chuyện quản lý, đợi khi số lượng thuê bao lên đến vài triệu thì yêu cầu người ta đi đăng ký lại", anh nói.
Theo anh, hãy để cho thị trường quyết định sự tồn tại của các hình thức hoạt động trả trước hay trả sau. "Thuê bao trả trước đang chiếm phần lớn chứng tỏ thị trường đang chấp nhận hình thức này, và điều đó chứng minh rằng không nhất thiết phải bắt buộc khai báo thông tin cá nhân giống như hình thức trả sau", anh Thịnh nhận xét.
Thận trọng hơn, nhiều chuyên gia am hiểu lĩnh vực viễn thông cũng đặt câu hỏi có nên "trói" các thuê bao trả trước hay không? Ông Nguyễn Quang A, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty tin học 3A cho rằng, quản lý thuê bao trả trước nhằm hạn chế tình trạng sử dụng di động nhắn tin quấy rối là việc cần làm. Tuy nhiên, cách thức như thế nào, các cơ quan chức năng cần phải bàn kỹ tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
"Nếu chỉ vì một số cá nhân sử dụng dịch vụ vào việc xấu mà bắt tất cả "vào khuôn khổ" thì quả thực đây là cách làm hết sức cực đoan. Chẳng khác nào chuyện 1 triệu dân sinh sống trong đó có 100 người mắc bệnh nan y, vì lo sợ lây bệnh, chính quyền bắt tất cả số người còn lại đều phải đi uống thuốc", ông Quang A ví von.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cũng cho rằng, xét về mặt kinh tế, các biện pháp hành chính này sẽ không mang lại hiệu quả cao. Bởi thuê bao trả trước và thuê bao trả sau đều bình đẳng như nhau trước nhà cung cấp dịch vụ. Hơn nữa các khách hàng trả trước dường như sòng phẳng hơn vì họ phải trả tiền trước khi sử dụng dịch vụ nên rủi ro cho nhà cung cấp dịch vụ đỡ hơn. Sẽ không có chuyện họ "xù" hay trộm cước viễn thông, do vậy, việc quản lý họ không nên coi là vấn đề cấp bách.
"Bộ Bưu chính Viễn thông lo an ninh cũng có cái lý nhưng theo tôi, với nghiệp vụ của ngành công an, họ hoàn toàn kiểm soát được tình hình và việc này nên giao cho những người có chuyên môn", ông Doanh nói.
Theo ông, thay vì bắt các thuê bao mới và hàng triệu thuê bao cũ lần lượt đi đăng ký mất thời gian gây lãng phí cho cả khách hàng và doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ nên sử dụng các biện pháp quản lý bằng kỹ thuật để can thiệp khi có sự cố.
Ông Quang A cho rằng, các cuộc gọi hoặc tin nhắn đều được thông qua hệ thống máy chủ nên các nhà cung cấp hoàn toàn kiểm soát được các thông tin cá nhân. Thậm chí, các doanh nghiệp có thể tận dụng điều này để kiểm soát các tin nhắn nặc danh thông qua các từ khóa. Vấn đề còn lại, Bộ chủ quản phải có các quy định về chế tài xử phạt rõ ràng đối với các hành vi quấy rối gây mất trật tự an ninh nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng có thể khởi kiện nhà cung cấp dịch vụ hoặc chủ thuê bao khác nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng.
"Tôi đi nhiều nước trên thế giới, chỉ cần mua một thẻ sim tôi có thể sử dụng dịch vụ hết tiền thì thôi, không cần phải khai báo gì. VN sắp gia nhập WTO, một khi hội nhập sân chơi chung, chung ta sẽ phải thực hiện theo nhiều cam kết. Do vậy, khi đưa ra chính sách phải hết sức thận trọng, quy định này có phù hợp với với xu thế hội nhập hay không", tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
Hồng Anh