Đó là kết luận sau buổi làm việc chiều 3/3 giữa Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), Ủy ban tôm VN với doanh nghiệp và các luật sư có thể tham gia vụ kiện. Phần lớn thời gian trong cuộc họp được dành cho các luật sư thông báo tình hình vụ kiện trong thời điểm hiện tại, phân tích những thuận lợi cũng như khó khăn của các doanh nghiệp VN.
Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết của hãng Luật Vilaf Hồng Đức (TP HCM), việc SSA- nguyên đơn của vụ kiện - yêu cầu DOC sửa thuế là muốn các nước phải đối phó với một vụ kiện mới. Về nguyên tắc thì chắc chắn nguyên đơn sẽ loại một số nước và một số doanh nghiệp ra khỏi lần điều tra này. Tuy nhiên, hiện nay việc nguyên đơn sẽ chọn nước nào và loại nước nào là điều không dễ dự đoán. Theo phân tích của bà Tuyết, xét về mặt chiến lược, nguyên đơn sẽ rút bớt nước nào bị đánh thuế chống bán phá giá cao nhất - mà VN lại không nằm trong số này. Do đó, luật sư Tuyết khuyến cáo, doanh nghiệp VN phải hết sức thận trọng và dự trù trước mọi khả năng có thể xảy ra.
Bà Tuyết cũng cho rằng, mức thuế chống bán phá giá mà các doanh nghiệp VN bị áp từ lần điều tra trước là 4,3% đến 25,76%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các mức thuế tạm tính. Nếu các doanh nghiệp VN bị chọn làm bị đơn bắt buộc, mức thuế mà sau lần review này DOC đưa ra sẽ xác định mức quyết toán thuế của nhà nhập khẩu đối với hải quan Mỹ, đồng thời xác định mức thuế các nhà nhập khẩu phải nộp cho giai đoạn tiếp theo. Thông thường, mỗi năm DOC review lại một lần.
Theo đánh giá của giới luật sư, lần điều tra này khác nhiều so với lần điều tra ban đầu. Nếu như trước kia, điều tra chỉ dựa trên số liệu 6 tháng thì nay yêu cầu của DOC là review dựa trên số liệu của 18 tháng. Do vậy, DOC sẽ "biết" VN nhiều hơn, những câu hỏi mà họ đưa ra chắc chắn sẽ gai góc hơn và mức độ đòi hỏi cũng sẽ khắt khe hơn.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Vasep, cho rằng biện pháp tốt nhất hiện nay là các doanh nghiệp có liên quan đến vụ kiện sẽ tập trung hoàn tất sổ sách, hồ sơ theo quy định của DOC. Đồng thời thuê luật sư tư vấn và phối hợp chặt chẽ với nhau để có chiến lược, giải pháp thích ứng với tình hình mới.
Còn theo luật sư Tuyết, rút kinh nghiệm từ những vụ kiện trước đây, ngoài việc chuẩn bị chu đáo hồ sơ tài liệu, doanh nghiệp cũng nên hợp tác chặt chẽ với nhau bởi những vụ kiện như thế này cần sự hợp sức của toàn ngành. Nếu các doanh nghiệp đưa ra những số liệu hay những lập luận trái ngược nhau thì chỉ gây bất lợi cho mình và người được hưởng lợi chính là bên nguyên đơn.
Chiều ngày 28/2, hãng luật Dewey Ballantine LLP, đại diện cho SSA đã chính thức gửi đơn, yêu cầu DOC xem xét hành chính mức thuế chống bán phá giá với toàn bộ công ty VN có hoạt động sản xuất và xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ trong thời gian từ ngày 16/7/2004 đến 31/1/2006.
Theo quy định của Mỹ, quy trình xem xét lại mức thuế thông thường sẽ diễn ra trong vòng 387 ngày. Tiến trình việc xem xét hành chính này có thể kéo dài từ 12-18 tháng và rất phức tạp, chưa thể nói trước được kết quả.
Theo Chủ tịch Vasep Hồ Quốc Lực, đây là tin không tốt cho người nuôi tôm VN khi Mỹ là thị trường tiêu thụ khoảng 50% giá trị tôm xuất khẩu VN. Quan trọng hơn, việc xem xét hành chính đối với tất cả doanh nghiệp VN sẽ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ hạn chế giao dịch mua bán tôm với VN để giảm thiểu rủi ro. Hậu quả là giá tôm sẽ bị sụt giảm do quy luật cung cầu.
Theo một nguồn tin có thẩm quyền của VnExpress, kế hoạch ban đầu về quá trình xét lại hành chính lần 1 như sau: Ngày 15/3: DOC bắt đầu xét lại hành chính đối với tất cả các công ty bị yêu cầu xét lại hành chính. Ngày 31/3: DOC ban hành một phần Bản câu hỏi Mục A (gồm những thông tin liên quan đến các lô hàng, và/hoặc nhập khẩu, có thể sản xuất bán sang Mỹ trong giai đoạn xét lại hành chính lần 1). Các công ty có thời hạn 1 tuần để trả lời bản trả lời. Bản câu hỏi này sẽ được ban hành cho từng công ty bị yêu cầu xét lại hành chính và không bị rút lại đơn yêu cầu. Những công ty không trả lời hoặc không trả lời phù hợp và các công ty này không được rút lại yêu cầu xét lại hành chính sẽ có thể bị áp dụng các yếu tố bất lợi sẵn có theo mức ấn định của Bộ Thương mại (ví dụ, Việt nam là 25.76%). Ngày 7/4: Ngày hết hạn để trả lời một phần bản câu hỏi Mục A. (Lưu ý, DOC có thể ban hành các Bản câu hỏi Mục A bổ sung, và các công ty có thể có khoảng 1 tuần để trả lời mỗi bản bổ sung này) Ngày 14-21/4: Các nguyên đơn có thể rút lại yêu cầu xét lại hành chính một cách chiến lược nhằm đạt được việc DOC sẽ lựa chọn các công ty xuất khẩu thuỷ sản lớn và những công ty có thể nhận mức thuế suất cao. Đồng thời yêu cầu DOC chọn bị đơn bắt buộc theo phương pháp lấy mẫu hoặc theo phương pháp chọn các công ty xuất khẩu nhiều nhất. Ngày 28/4: DOC quyết định chọn các công ty bị đơn bắt buộc theo phương pháp chọn các công ty xuất khẩu nhiều nhất và sẽ ban hành đầy đủ các bản câu hỏi cho các công ty bị đơn bắt buộc này. Ngoài ra, DOC có thể đề xuất phương pháp lấy mẫu để các bên trong vụ kiện kiến nghị. Ngày 15/5: DOC tiến hành việc chọn mẫu bị đơn bắt buộc. |
Hà Vy - Phan Anh