Thanh toán bằng tiền mặt rất phố biến tại Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn |
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thương Huyền, Học viện Tài chính: Quy định hạn mức thanh toán bằng tiền mặt "không quá 5 đến 10 triệu đồng đối với một khoản chi" là quá thấp so với giá trị của các giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại hiện nay, đặc biệt là đối với các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, mà những tổ chức này chủ yếu là các doanh nghiệp. Vậy, "một khoản chi" là một lần viết phiếu chi tiền mặt, một giao dịch mua bán, hay một điều khoản trong hợp đồng du lịch? Với hạn mức đó, cùng với việc hiểu các khoản chi khác nhau rất có thể dẫn đến tình trạng lách quy định bằng cách viết phiếu chi nhiều lần, hoặc thanh toán một hợp đồng giao dịch thành nhiều lần...
Phó giám đốc công ty tư vấn CONCETTI, ông Từ Lê: Nhà nước nên có các chính sách khuyến khích mọi người không sử dụng tiền mặt trong thanh toán, chứ không nên ép buộc bằng các quy định. Chẳng hạn, nếu sử dụng thẻ để thanh toán thì sẽ được ưu đãi. Ví dụ, ở Singapore, tại nhiều nhà hàng nếu khách thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ được giảm tiền. Nếu Việt Nam cũng làm như vậy thì mọi người sẽ nhận ra lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ tự nguyện mở tài khoản tại các ngân hàng.
Tổng thư ký Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Võ Liễu: Tôi thấy có một số điểm chưa thoả đáng. Trước hết, nghị định chưa chỉ ra doanh nghiệp nên làm gì để thuận lợi khi thanh toán trong các giao dịch thương mại. Các doanh nghiệp cũng muốn thanh toán không phải dùng tiền mặt, bởi cách này không đảm bảo yếu tố an toàn. Tuy nhiên, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến, chưa thuận tiện. Chẳng hạn thẻ ATM hiện nay chỉ một số ngân hàng vào được và cũng chỉ dùng để rút tiền chứ không dùng để thanh toán được.
Đại diện Công ty Tư vấn Investconsult Group: Nghị định này chỉ áp dụng bắt buộc đối với các tổ chức có mở tài khoản tại các ngân hàng, trong khi trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ (như hộ kinh doanh cá thể) hay cá nhân không có hay không cần thiết mở tài khoản ngân hàng. Như vậy là tạo ra sự không bình đẳng.
Giám đốc Công ty TNHH hỗ trợ phát triển và hội nhập toàn cầu, ông Trần Nhơn: Các nước khác trên thế giới thực hiện việc quản lý tiền mặt rất chặt, tại sao bao nhiêu lâu nay chúng ta không học tập? Tình trạng tham nhũng của nước ta hiện đã ở mức nghiêm trọng, diễn ra mọi nơi gây ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế đất nước. Nếu chúng ta làm tốt việc chuyển sang thanh toán bằng thẻ thì chắc chắn tiền bạc sẽ được quản lý tốt hơn, nạn phong bì, phong bao sẽ không còn nữa, tham nhũng cũng vì thế mà hạn chế.
Trao đổi với VnExpress về những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, ông Ngô Hồng Nam, Trưởng phòng chế độ thanh toán Vụ chính sách tiền tệ ngân hàng Nhà nướcViệt Nam cho biết, nghị định này nhằm quản lý tiền mặt, tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh. Đối với nước ta hiện nay, tỷ trọng thanh toán tiền mặt còn trên 20% trong tổng phương tiện thanh toán. Nếu không có cơ chế quản lý và chế tài xử lý việc thanh toán bằng tiền mặt thì sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, thậm chí rửa tiền, gây mất an toàn, an ninh của nền kinh tế xã hội.
Ông Nam cũng khẳng định rằng, hạn mức 5-10 triệu đồng/khoản chi không thấp. Với khoản tiền cao hơn, các doanh nghiệp có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản cho nhau một cách dễ dàng.
Nghị định này vẫn đang trong quá trình tham khảo, lấy ý kiến. Ngân hàng Nhà nước sẽ cho đăng tải chi tiết những đóng góp lên trang web http://www.vibonline.com.vn.
Kiều Giang