Tổng giám đốc Sacom Đỗ Văn Trắc.
Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SacomBản thân doanh nghiệp đang rối bời vì kênh huy động vốn quan trọng là thị trường tài chính chứng khoán vẫn ảm đạm và chưa thấy có triển vọng gì trong thời gian tới. Trong khi đó, lãi vay ngân hàng quá cao, vượt quá sức chịu đựng, đã và sẽ là áp lực lớn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể, đầu tư công thắt chặt lại, tiêu dùng cũng giảm sút nên hoạt động năm nay kém lạc quan. Bức tranh kinh doanh phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.
6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của SAM không như mong đợi. Hiện công ty tìm mọi cách để chặng đường còn lại của năm có thể đạt được kế hoạch lợi nhuận.
Ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Alphanam (ALP)
Tình hình hiện nay khá khó khăn. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp còn xây dựng kế hoạch tăng trưởng trên 50% cho năm nay. Nhưng sau 6 tháng, hiện chỉ còn dám điều chỉnh về mức 25-30%. Nguyên nhân chính là chi phí đầu vào tăng nhanh.
Kinh nghiệm rút ra là đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, luân chuyển tiền tệ thông suốt hơn, sử dụng rất ít vốn vay. Trong hệ thống của Alphanam, hiện tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 10%, có lợi thế hơn những doanh nghiệp phải đi vay nhiều và coi đó là thời cơ.
Trong những tháng cuối năm, diễn biến của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ. Hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách hạn chế giải ngân. Như vậy, các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn ngân sách sẽ gặp khó khăn. Đối với chính sách tiền tệ cũng vậy. Tất nhiên, ai cũng muốn lãi suất hạ, dễ vay ngân hàng. Nhưng như vậy thì lạm phát sẽ tăng, khi đó chẳng ai được lợi.
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo còn khó khăn. Ảnh: B.H. |
Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM
Quý II, công ty lỗ hơn 10,6 tỷ đồng, không ngoài dự báo, do chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức rất cao. Tuy nhiên, thông tin đến cổ đông, lãnh đạo doanh nghiệp hy vọng những khó khăn này chỉ mang tính nhất thời và sẽ vượt qua như đã từng làm được hồi năm 2008.
Ngay quý III, doanh nghiệp triển khai một loạt biện pháp như: tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn để thực hiện thoái vốn ở một số khoản đầu tư của CII, rà soát tiến độ các dự án để cân đối nguồn vốn đầu tư thích hợp, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn đối với các khoản vay.
Ngoài ra, CII có kế hoạch thuyết phục các ngân hàng nước ngoài để có thể vay và giải ngân 30 triệu USD, với lãi suất thấp hơn khá nhiều so với một số doanh nghiệp khác đang vay hiện nay. Một cuộc rà soát các khoản chi phí hoạt động cũng sẽ được thực thi, trên tinh thần triệt để tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên ở công ty.
Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Trương Đình Anh.
Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn FPTBản thân FPT cũng đối mặt với nhiều bất lợi như các doanh nghiệp khác. Đơn cử như lãi vay ngân hàng cao, chi phí tài chính để có một đồng vốn cao hơn hẳn năm ngoái. Chưa kể sức mua giảm, một số hướng kinh doanh cũng bị giảm tăng trưởng và phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác để giữ thị phần trong bối cảnh tiêu thụ sụt mạnh.
Một loạt giải pháp được triển khai như: rà soát lại bộ máy hoạt động, giảm các chi phí không cần thiết, dự án không hiệu quả, cho ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, thị trường mới - những nơi không bị ảnh hưởng bởi biến động vĩ mô trong nước.
Mặc khác, hoạt động kinh doanh tập trung lĩnh vực có sức mạnh cốt lõi, có thế mạnh trên thị trường và nhiều tiềm năng (công nghệ), còn tài chính, bất động sản sẽ không nằm trong trọng tâm.
Do thực hiện nhiều giải pháp và chủ động ứng phó nên doanh nghiệp có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra đúng hạn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VNM Mai Kiều Liên.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam VinamilkTốc độ tăng trưởng của VNM không bằng các năm qua. Ví dụ năm ngoái tăng trưởng sản lượng trên 30% thì năm nay chỉ trên 20%, tức sản lượng vẫn tăng, nhưng tốc độ giảm.
Ảnh hưởng của tình hình chung nên Vinamilk cũng thắt chặt chi tiêu và luôn phải dành một khoản dự phòng để có thể dùng ngay khi có việc cần gấp. Tiết kiệm chi phí song vẫn phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển cho toàn công ty.
Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn như hiện nay, hoạt động kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng do sức mua giảm, khả năng cạnh tranh ngày càng ác liệt. Tuy nhiên, tới thời điểm này, doanh nghiệp dự kiến có thể hoàn thành kế hoạch, thậm chí vượt hơn một chút so với dự định, do đã có dự liệu trước và đề xuất kế hoạch ở mức khả thi hơn.
Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành
6 tháng, GDT mới hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu thuần bán hàng, 58,5% chỉ tiêu lợi nhuận. Song, tới thời điểm này, doanh nghiệp đã cầm chắc khả năng hoàn thành và nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra. Bởi hiện tại, doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng xuất khẩu để sản xuất cho tới cuối năm và chỉ còn lo mỗi việc đẩy mạnh sản xuất để giao hàng đúng hẹn, chứ không cần tìm thêm đơn hàng nữa. Diễn biến này nằm ngoài dự đoán của công ty, do lượng tiêu thụ các thị trường xuất khẩu bỗng gia tăng mạnh.
Bạch Hường - Nhật Minh