![]() |
Việt Nam phải thận trọng khi xuất khẩu tôm. |
Độc tố trên được xác định là chất Chloramphenicol, kháng sinh được dùng trong thú y và nuôi trồng thuỷ sản. Dư lượng của kháng sinh này trong thực phẩm là độc tố nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng nên từ năm 1994, EU đã quyết định cấm sử dụng Chloramphenicol trong chăn nuôi và cấm luôn việc lưu thông các loại thực phẩm có tồn dư loại độc tố này với bất kỳ hàm lượng nào.
Các nhà điều tra Đức phát hiện ra rằng, lô hàng có tồn dư độc tố được nhập khẩu từ Trung Quốc bởi Công ty Moorijer-Volendam B.V thuộc Hà Lan và đưa vào Đức phân phối cho các cửa hàng bán lẻ thực phẩm với khối lượng khoảng 20 tấn. Toàn bộ số hàng này, căn cứ vào mã hiệu và nhãn hiệu trên bao gói, đã được thông báo rộng rãi để thu hồi và kiểm tra.
Tình hình này đã gây lo ngại cho người tiêu dùng và cả những nhà nhập khẩu hải sản. Một số khách hàng nhập khẩu hải sản thường xuyên của Việt Nam đã đề nghị cơ quan thương vụ tại Berlin thông báo rộng rãi rằng, hải sản nhập vào EU sẽ phải huỷ toàn bộ nếu phát hiện ra tồn dư chất Chloramphenicol. Nếu trường hợp đó xảy ra, không những sẽ gây tổn hại lớn về kinh tế cho cả người xuất khẩu và nhập khẩu mà còn gây mất uy tín, có thể dẫn đến việc mất thị trường đang có tiềm năng to lớn này.
Tại Dueselldorf, Cơ quan Giám sát vệ sinh và an toàn thực phẩm được chỉ đạo phải kiểm tra gắt gao các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và châu Á.
Hội bảo vệ Người tiêu dùng, Thực phẩm và Nông nghiệp Liên bang Đức cũng đã yêu cầu các cơ quan hữu trách Trung Quốc thông báo tình hình cụ thể việc này nhằm khắc phục các nguyên nhân gây nhiễm độc trong thực phẩm nếu Trung Quốc còn muốn xuất khẩu sang EU.
(Theo Thương Mại)