Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Diễn đàn Kinh doanh tại VN chiều 5/6 tại Hà Nội. |
Phát biểu trước hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước, Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình với cộng đồng quốc tế và sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Diễn đàn Kinh doanh là một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu 2008 tổ chức tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, cùng các đại biểu của Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tham dự diễn đàn này.
Ông Hoàng Trung Hải cho hay, Việt Nam coi trọng các chỉ tiêu chất lượng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. "Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế", ông nói.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam áp dụng nhất quán các chính sách bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mỗi năm Việt Nam có thêm trên 50.000 doanh nghiệp mới với số vốn khoảng 30 tỷ USD. "Điều này thể hiện sức phát triển mạnh và môi trường kinh doanh sôi động với nhiều cơ hội tại Việt Nam", ông Hoàng Trung Hải nhận định.
Phó thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam coi doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. "Tôi và các đồng sự sẵn sàng lắng nghe và trao đổi cùng các quý vị về tất cả vấn đề quý vị quan tâm", ông nói.
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế Việt Nam hiện nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, lạm phát và nhập siêu cùng gia tăng, và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang là những khó khăn đối với nền kinh tế.
Tại Diễn đàn, ông Charly Madan, Tổng giám đốc Ngân hàng Citibank Việt Nam, bày tỏ sự quan tâm tới mối lo ngại của một số nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Madan, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong các năm qua, nhưng gần đây đang đối mặt với sự mất cân bằng về kinh tế vĩ mô và ít nhiều khiến các nhà đầu tư lo lắng. "Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để giải quyết vấn đề tâm lý của nhà đầu tư?", ông Charly Madan đặt câu hỏi.
Ông Hoàng Trung Hải cho hay, khó khăn của nền kinh tế hiện nay một phần xuất phát từ những ảnh hưởng của thị trường thế giới. "Chưa bao giờ thị trường thế giới có nhiều yếu tố tác động tổng hợp như hiện nay, như giá dầu và giá lương thực tăng, tình trạng đầu cơ phổ biến ở hầu hết sản phẩm và tâm lý của người dân", ông Hải phân tích.
Theo ông, chính yếu tố tâm lý của người tiêu dùng cũng gây khó khăn cho việc dự báo, bởi đây là yếu tố rất khó xác định.
Đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà |
Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã có 8 giải pháp cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó giải pháp hạn chế đầu tư công đã bước đầu tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. "Tới đây Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tiếp tục đình hoãn và kiểm soát các dự án chưa thực sự cấp bách", Phó thủ tướng cho hay. Mặt khác, theo ông Hoàng Trung Hải, Việt Nam cũng đang hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.
Bà Lê Thị Thanh Thủy, một doanh nhân trong nước, cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài. "Chính phủ sẽ có biện pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh?", bà Thủy băn khoăn.
Ông Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như việc gần đây nhất là Bộ Xây dựng kiến nghị loại bỏ 7 trong tổng số 13 thủ tục trong xây dựng. Cùng với đó, Chính phủ sẽ có các văn bản phân cấp và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng, việc nâng cao khả năng cạnh tranh phụ thuộc nhiều vào chính các doanh nghiệp. Ông cũng cho hay, ông từng chứng kiến một số doanh nghiệp Việt Nam sang châu Phi tìm kiếm thị trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp nữ, dù sang thị trường mới rất khó khăn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho hay, trước những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã thi hành nhiều biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo ông Lộc, các chính sách đó đã có được sự đồng thuận và hậu thuẫn của cộng đồng kinh doanh và đang phát huy tác dụng.
Trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh, đặc biệt là dự án của các nhà đầu tư chiến lược. "Với việc tiếp tục tăng cường đầu tư, cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước có chung niềm tin: những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, tiềm năng tăng trưởng về dài hạn của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ngọc Châu