"Tình hình dịch bệnh tại đây đang rất căng thẳng và nhiều khó khăn. Thời gian tới tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được Bộ Y tế chỉ định làm Giám đốc Y khoa Bệnh viện dã chiến ICU Bình Dương) nói với VnExpress, ngày 14/8. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh ghi nhận 41.621 ca mắc Covid-19, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau TP HCM.
Số ca nhiễm mới của Bình Dương tăng, theo bác sĩ Hiếu, do địa bàn tập trung nhiều công ty, xí nghiệp, mật độ nhà trọ ẩm thấp và dày đặc. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều công ty "3 tại chỗ" xuất hiện F0 do cùng làm việc, ăn ở nên lây lan rất nhanh. Để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh phải tổng lực xét nghiệm, tăng cường test nhanh trên số lượng lớn người dân để tránh lây nhiễm. Số này tiếp tục được xét nghiệm khẳng định lại RT-PCR, cộng dồn lại dẫn đến số ca tăng cao.
Ngành y tế cũng đang áp dụng chiến thuật làm sạch vùng xanh, khoanh lại vùng đỏ, xét nghiệm RT-PCR trên diện rộng để phát hiện được ca nhiễm. "Có khi một xã ghi nhận cả nghìn người dương tính trong ngày, đặt ra thách thức trong truy vết, xét nghiệm, cách ly diện rộng và điều trị", bác sĩ Hiếu nói.
Lượng F0 cao khiến địa phương bị quá tải trong vận chuyển và cách ly. Khi số bệnh nhân ra viện nhanh, nhiều nhà trọ từ chối tiếp nhận người bệnh quay trở lại khiến một lần nữa đè nặng lên hệ thống y tế. "Chúng tôi đang cố hết sức lập nhiều đơn vị cách ly và mở rộng bệnh viện để bệnh nhân ra viện đúng thời gian, không nằm quá lâu", ông Hiếu cho biết.
Theo PGS.TS Hiếu, các bệnh nhân sẽ biến chứng hoặc trở nặng, phải thở máy - theo chu kỳ diễn biến của virus, tạo sức ép lên hệ thống điều trị. Việc này cũng giống như TP HCM cách đây 2 tuần, đi từ giai đoạn ủ bệnh, đến toàn phát và bệnh nặng. Tỷ lệ F0 nặng tăng kéo theo tỷ lệ tử vong tăng, nên ngành y tế phải xác định F0 ngay từ đầu để có phương án, phác đồ điều trị tương xứng. Tuy nhiên, số F0 quá lớn khiến việc phân loại dựa trên những triệu chứng hiện khá ít ỏi. "Phải thật cảnh giác để kiểm soát số ca tăng lên mỗi ngày", ông Hiếu nói.
Bình Dương áp dụng theo mô hình tháp 3 tầng điều trị Covid-19 của Bộ Y tế. Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 18.023, trong đó 1.783 ca có triệu chứng, 525 bệnh nhân kèm bệnh nền và 604 trường hợp nặng. Toàn tỉnh có 16 khu điều trị và 4 bệnh viện dã chiến với gần 20.000 giường, trong đó khoảng 400 giường hồi sức cấp cứu.
Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu với 437 giường ICU cùng trang thiết bị hiện đại vừa được tỉnh Bình Dương thiết lập tại 3 tầng của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex (TP Thuận An) để điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 từ mức độ vừa (tầng 2) đến nặng, nguy kịch (tầng 3), bao gồm cả bệnh nhân nước ngoài.
Tỉnh đang xây dựng hệ thống điều trị, mở rộng các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tầng 2 lên bệnh viện tỉnh hoặc trung tâm hồi sức. "Nguyên tắc là không được chuyển bệnh nhân quá sớm hay quá muộn; không cho bệnh nhân tử vong ở tầng thấp, không để bệnh nhân ra viện ở tầng cao", ông Hiếu cho biết.
Để giảm tải cho hệ thống điều trị, ông Hiếu cho rằng ngành y tế cần tập trung lọc những F0 không triệu chứng ở những nơi Covid-19 bùng phát mạnh, số lượng bệnh nhân lớn. Nếu đủ ngày cách ly, test nhanh âm tính, họ sẽ được ra viện.
Các ca bệnh ở tầng 2 phải được điều trị bài bản, đúng phác đồ, nếu không đáp ứng mới đưa bệnh nhân lên tầng 3. Tuyệt đối không được đưa lên những trường hợp F0 còn khả năng điều trị nội khoa, không phải can thiệp và cũng không đưa lên các ca đã quá nặng.
Ngoài ra, các bệnh viện thuộc tầng 3 cần trang bị máy thở không xâm nhập (HFNC), máy thở áp lực dương liên tục (CPAP), monitor... thuốc chống đông như enoxaparin, heparin không phân đoạn; thuốc chống viêm, thuốc dạ dày dự trữ. "Chỉ cần bệnh nhân ổn, rút được ống thở, ngừng lọc máu, các chức năng tạm ổn định, sẽ cho xuống tầng 2 điều trị tiếp để hạ nhiệt cho tầng cao. Từ tầng 2, bệnh nhân được điều trị để xuống tầng một và xuất viện. Quan trọng nhất là không cho F0 xuất viện khi ở tầng cao", bác sĩ Hiếu nêu quan điểm.
Thùy An