Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế hôm 3/8 cho biết, sau gần hai tháng chuyển công năng từ Bệnh viện huyện Củ Chi, khoảng 200 nhân viên ở đây phải nỗ lực gấp 2-3 lần bình thường. Các y bác sĩ "cắm chốt" luôn tại bệnh viện để cơ động trong việc điều trị bệnh nhân, mong sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Bệnh viện được Sở Y tế phân công thuộc tầng 3 (điều trị bệnh nhân trung bình, có bệnh nền) của tháp điều trị 5 tầng, song nơi đây đang nâng năng lực, trong thời gian qua điều trị nhiều bệnh nhân thuộc tầng 4. "500 giường lúc nào cũng kín bệnh nhân; trong đó khoảng 150 F0 nặng, nhiều bệnh nền, nhiều ca thở máy, nên rất thiếu nhân lực", bác sĩ Xuân nói và cho biết đây cũng là khó khăn chung của các bệnh viện TP HCM hiện nay.
Theo bác sĩ Xuân, từ một bệnh viện đa khoa không chuyên về điều trị bệnh truyền nhiễm, khi chuyển đổi công năng, các y bác sĩ nỗ lực tối đa nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về năng lực chuyên môn sâu. Bởi bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng và nhanh; đa dạng mặt bệnh; bệnh nhân nhiều lứa tuổi, nhiều bệnh lý nền khác nhau. Ngoài ra, y bác sĩ cũng phải kiểm soát các bệnh khác của F0 như chạy thận nhân tạo, sản khoa, nhi khoa, can thiệp nội soi tiêu hóa... Tổng cộng đến nay, khoảng 1.000 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi.
"Khó khăn nhất là nguồn nhân lực, trong bối cảnh mở giường tới đâu bệnh nhân lấp đầy kín tới đấy", giám đốc một bệnh viện thuộc tầng 3 khác nói với VnExpress. Những bác sĩ chưa từng điều trị Covid-19 phải từng bước làm quen việc này ở nhiều bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì... Toàn bộ nhân viên y tế phải chia lịch làm việc theo 2 ca 3 kíp. Khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, nhiều bệnh nhân trở nặng nhanh, chỉ trong vòng vài giờ, không qua khỏi khi chưa kịp chuyển lên tuyến trên nên áp lực rất lớn.
"Không chỉ điều trị F0, bệnh viện còn tham gia các đội tiêm vaccine ngoài cộng đồng nên rất thiếu nhân lực. Chúng tôi động viên nhau cố gắng vì người dân để sớm vượt qua giai đoạn này", bác sĩ này nói.
Ngoài ra, đại diện một bệnh viện tầng 3 mới tham gia điều trị Covid-19 theo mô hình "tách đôi", cho biết còn gặp khó khăn trong lắp đặt các hộc oxy - nối oxy từ nguồn ra cho bệnh nhân thở. "Bố trí hệ thống này rất khó, phải có đội ngũ lắp đặt hệ thống khí nén để đẩy oxy, đảm bảo cho điều trị cũng như an toàn phòng chống cháy nổ", ông nói và cho hay Sở Y tế đang khẩn trương hỗ trợ.
TP HCM hiện có 41 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với hơn 46.000 giường. Tính đến ngày 5/8, thành phố có 20 bệnh viện thuộc tầng 3 với 4.716 giường, đang tiếp nhận điều trị 4.385 F0. Ngoài ra, 15 bệnh viện thuộc tầng 4 với 4.551 giường thực kê, đang điều trị 4.238 F0. Bốn bệnh viện tầng 5 với 1.458 giường, đang điều trị 1.450 người.
Ngoài ra, thành phố đang có 193 cơ sở cách ly F0 tại TP Thủ Đức và các quận huyện thuộc tầng một với 53.617 giường. 16 bệnh viện dã chiến thu dung thuộc tầng 2, đang tiếp nhận 23.305 người bệnh trên số giường 34.675.
Tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị ở các bệnh viện tầng 3 cũng được Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi đề cập trong cuộc họp báo mới đây. Ông nhìn nhận hệ thống y tế đang quá tải và khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 rất khó khăn. Áp lực với ngành y tế thành phố thời điểm này rất lớn, nhiều F0 nặng, tử vong, các bệnh viện 3 tầng cuối đã gần như hoạt động hết công suất.
Theo Phó bí thư, thành phố đang tập trung tổ chức lại và xem xét rút ngắn quy trình, nhằm có thêm không gian tiếp nhận điều trị bệnh nhân, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu. Ngành y tế sẽ liên thông các tầng này, nếu F0 ở tầng 3 chuyển nặng thì đưa lên tầng 4, 5; còn khi F0 ở tầng 5 đã được điều trị nhẹ hơn thì chuyển xuống tầng dưới.
Thời gian qua, các bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 được nâng công suất, sắp xếp lại để tăng số giường. Thành phố cũng đang chuyển thêm 3 bệnh viện dã chiến sang tầng chuyên điều trị. Dự kiến cuối tháng này, sẽ có thêm 1.000 giường.
Bộ Y tế và TP HCM đã thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế... phụ trách, với mục tiêu lớn nhất là giảm số tử vong.
Hôm 24/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, gửi thư kêu gọi tất cả lực lượng ngành y tham gia chống dịch. Sở Y tế TP HCM cũng huy động các lực lượng tình nguyện hỗ trợ khám và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng, chăm sóc ca nhiễm, nghi nhiễm; vận chuyển bệnh nhân, mẫu trong các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên vệ sinh buồng bệnh, hành lang, khuôn viên chung tại các cơ sở điều trị F0; tham gia lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca bệnh...
Tính đến ngày 6/8, số người cả nước tình nguyện tham gia chống dịch ở TP HCM lên hơn 7.000, đang được Sở Y tế TP HCM phân bổ họ đến các cơ sở y tế có nhu cầu.
Ngày 8/8, trong công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện, sở y tế các tỉnh thành, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tập huấn cho đội ngũ y tế về năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở.
Đến sáng 9/8, TP HCM ghi nhận tổng cộng hơn 124.000 ca nhiễm từ đợt dịch thứ tư; đang điều trị 31.538 bệnh nhân, trong đó có 1.344 bệnh nhân nặng thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Những ngày qua, trung bình số bệnh nhân xuất viện là 2.500-3.500 một ngày; ngày xuất viện cao kỷ lục là 28/7 với hơn 4.600 người. Tổng số xuất viện tính đến hôm nay là hơn 55.700 người.