Thông tin được ông Mãi nói tại buổi họp báo về tình hình phòng chống Covid-19 tại TP HCM, chiều 5/8, trong bối cảnh thành phố đã trải qua 67 ngày giãn cách và ghi nhận hơn 108.300 ca nhiễm.
Theo Phó bí thư, thành phố đang tập trung tổ chức lại và xem xét rút ngắn quy trình, nhằm có thêm không gian tiếp nhận điều trị bệnh nhân, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu. Ngành y tế sẽ liên thông các tầng này, nếu F0 ở tầng 3 chuyển nặng thì đưa lên tầng 4, 5; còn khi F0 ở tầng 5 đã được điều trị nhẹ hơn thì chuyển xuống tầng dưới.
Hiện, nhiều bệnh viện chưa từng điều trị bệnh nhân Covid-19, nên khi mở rộng không gian điều trị phải tính toán đầu tư trang thiết bị để những nơi này có thể tiếp nhận F0. Nếu các cơ sở này không tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, phải tiếp nhận người bệnh thông thường để các bệnh viện khác mở rộng không gian điều trị F0.
"Những vấn đề này thành phố điều chỉnh hàng ngày sao cho khoa học hơn để có thể tiếp nhận nhiều hơn bệnh nhân cấp cứu, điều trị", ông Mãi nói.
Thời gian qua, các bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 được nâng công suất, sắp xếp lại để tăng số giường. Thành phố cũng đang chuyển thêm 3 bệnh viện dã chiến sang tầng chuyên điều trị. Dự kiến cuối tháng này, sẽ có thêm 1.000 giường.
Đối với 4 bệnh viện hồi sức Covid-19 ở tầng 5, ông Mãi cho biết, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để mở rộng, nhất là ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 để đạt 1.000 giường theo kế hoạch. Tuy nhiên, Phó bí thư nhìn nhận "đang vướng trong vấn đề đảm bảo nhân lực, trang thiết bị chuyên sâu cho tầng điều trị này". Ngoài ra, Trung ương đã chỉ đạo triển khai 4 trung tâm hồi sức tại TP HCM do các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y dược thực hiện.
"Áp lực với ngành y tế thành phố thời điểm này rất lớn. Dù thành phố đã nỗ lực không ngừng nhưng năng lực có hạn. Trung ương đã tăng cường hỗ trợ nhưng cũng có giới hạn nhất định. Với tinh thần 5 tại chỗ, thành phố tiếp tục tập trung, nâng cao công tác tiếp nhận, điều trị trong thời gian tới", ông Mãi nói.
Nói thêm về quan điểm "thành phố xác định khi chuyển sang chiến lược điều trị thì việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa", Phó bí thư cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc ngừng quan tâm các ca mắc Covid-19 mới. Bởi thành phố vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách triệt để hơn nhằm ngăn chặn nguồn lây.
"Vấn đề ở đây là quan tâm nhiều hơn đến số ca điều trị, chuyển nặng, tử vong. Từ những số liệu trên, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, giải pháp điều trị, cứu người và đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này", Mãi ông nói.
Về việc thực hiện giãn cách xã hội những ngày qua trên tinh thần siết chặt Chỉ thị 16, lãnh đạo Thành ủy TP HCM đánh giá cao người dân đã tuân thủ, chấp hành biện pháp hạn chế ra đường; các cơ quan, lực lượng chống dịch tổ chức tốt; tinh thần tự quản phát huy ở nhiều nơi, các địa bàn đang nỗ lực giữ vững, mở rộng "vùng xanh"...
TP HCM đang áp dụng mô hình điều trị tháp 5 tầng. Trong đó tầng một theo dõi F0 không triệu chứng, không bệnh nền. Tầng 2 điều trị F0 có triệu chứng và bệnh nền kèm theo. Tầng 3 tiếp nhận F0 triệu chứng trung bình và nặng. Tầng 4 điều trị F0 có bệnh lý nền nặng. Tầng 5 hồi sức chuyên sâu F0 nguy kịch.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng, đến ngày 5/8, thành phố có 20 bệnh viện thuộc tầng 3, đang điều trị 4.385 F0; 15 bệnh viện thuộc tầng 4 điều trị 4.238 F0 và 4 bệnh viện tầng 5 điều trị 1.450 người. Ngoài ra, thành phố đang có 193 cơ sở cách ly F0 tại TP Thủ Đức và các quận huyện thuộc tầng một với 53.617 giường. 16 bệnh viện dã chiến thu dung thuộc tầng 2, đang tiếp nhận 23.305 người bệnh.
TP HCM cũng đang đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19, bởi theo Phó chủ tịch Dương Anh Đức, những người tiêm đủ 2 liều có tỷ lệ nhỏ mắc Covid-19 và tỷ lệ trở nặng rất thấp, còn tỷ lệ tử vong gần như bằng 0.