Đọc tin nhắn tăng tiền thuê mặt bằng trở lại sau khi TP HCM mở cửa, chị Lâm Bội Linh, thành viên Hội đồng quản trị Hệ thống Mầm non Kid’s Club, lặng người. Biết không thể đòi hỏi chủ mặt bằng hỗ trợ lâu hơn nữa, chị nghĩ phải tìm cách khác để giải quyết.
Hệ thống Kid’s Club của chị Linh có 12 cơ sở với hơn 300 giáo viên. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19, các trường thuộc hệ thống chỉ hoạt động được khoảng 10 tháng, còn lại phải đóng cửa, không có nguồn thu từ học phí nhưng vẫn phải chi trả tiền mặt bằng.
Năm nay, trong hơn 5 tháng ngừng hoạt động, hệ thống trường may mắn nhận được sự hỗ trợ từ một số chủ mặt bằng. Thế nhưng, giá thuê một mặt bằng, vốn dao động từ 100 đến 200 triệu đồng một tháng, vẫn khiến bất kỳ doanh nghiệp nào trong lĩnh vực giáo dục mầm non phải lao đao.
Ngoài chi phí mặt bằng, chị Linh còn gánh nặng về lương nhân viên. Để giữ tính ổn định, hệ thống Kid’s Club quyết định hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên. Duy trì được hai tháng 5 và 6, đến tháng 7, họ không còn khả năng chi trả, chỉ còn cách hỗ trợ nhân viên nộp đơn xin các chính sách liên quan từ nhà nước. Dù vậy, hiện các giáo viên cũng chỉ mới được hỗ trợ một lần với 1,8 triệu đồng.
Để xoay xở, trường chị Linh giúp giáo viên tìm việc làm khác tạm thời như bán hàng trong siêu thị hay shipper. Nhờ được ưu tiên tiêm đủ hai mũi vaccine từ sớm, giáo viên không gặp nhiều khó khăn khi xin việc tạm thời. Thế nhưng, không phải ai cũng thích ứng được.
Không thể trả lương cho nhân viên, đồng nghĩa hệ thống trường của chị Linh không đảm bảo khả năng giữ chân nhân sự trong thời gian tới. Chỉ cần 10-20% giáo viên nghỉ việc khi trường học mở cửa trở lại, hệ thống cũng gặp khó.
Là hệ thống trường mầm non được đánh giá tốt về chất lượng, thu học phí từ 6 đến 10 triệu đồng mỗi tháng, chị Linh còn lo ngại phụ huynh sẽ chuyển trường cho con vì khó khăn kinh tế. Trong thời gian nghỉ phòng dịch, trường xây dựng một ứng dụng để phụ huynh tiện tương tác với nhà trường. Tuy nhiên, 30% phụ huynh không tải về và cũng không phản hồi. Nhiều người nói thẳng không đủ điều kiện cho con theo học ở trường sau dịch nữa.
"Nguồn thu giảm trong khi vẫn phải trả mọi chi phí để duy trì khiến chúng tôi thực sự khó khăn", chị Linh nói. Hiểu được việc mở cửa trường học thời điểm này có rất nhiều rủi ro, chị Linh mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, chẳng hạn hỗ trợ các gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi.
Tình trạng của chị Linh cũng là vấn đề mà nhiều chủ trường mầm non tư thục tại TP HCM đang đối mặt. Anh Nguyễn Minh Tuấn mở trường mầm non ở quận Bình Thạnh vào tháng 3 năm ngoái, đúng thời điểm bùng phát dịch. Do đó, mãi đến tháng 6 cùng năm, anh mới được đón những học sinh đầu tiên. "Từ lúc thành lập đến nay, tính ra, trường chỉ hoạt động được khoảng 8 tháng. Thời gian đóng cửa còn nhiều hơn thời gian học", anh Tuấn nói.
Trường của anh Tuấn có quy mô 5 phòng học và hơn 20 giáo viên, nhân viên, nhận trông khoảng 70 trẻ. Mỗi tháng, anh Tuấn phải trả hơn 75 triệu đồng cho tiền thuê mặt bằng, chưa tính lương nhân viên và các chi phí phát sinh khác.
Từ tháng 5 đến nay, trường học đóng cửa, anh Tuấn hỗ trợ giáo viên thời gian đầu nhưng không duy trì được lâu. Vì không có nguồn thu nhập, các giáo viên cũng khốn đốn. Nhiều người đã về quê, dự định xin vào một trường công hoặc bỏ nghề, làm việc khác. Anh Tuấn và nhiều chủ trường muốn giữ người những đành bất lực vì "không có gì đảm bảo hay hứa hẹn với các thầy cô".
Thời gian này, anh phải cầm cự bằng cách đề nghị chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng. Cùng với đó, anh làm thêm các công việc về marketing, tư vấn và dồn tiền tiết kiệm để "giữ" trường.
Lao đao vì trường đóng cửa dài ngày, anh Tuấn vẫn cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác. Xung quanh anh, không thiếu chủ trường phá sản, phải bán đất, bán nhà để trả nợ.
Theo báo cáo về tình hình chuẩn bị năm học mới 2021-2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, tính đến nay, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi với dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.
Đầu tháng 10, chị Linh, anh Tuấn và đại diện hơn 90 trường mầm non tư thục (tổng 200 cơ sở) đã làm đơn kiến nghị, gửi đến UBND TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ. Ngoài việc phản ánh khó khăn trong việc xoay xở để cầm cự hoạt động, các chủ trường cũng cho biết mình "đang ở thế khó".
"Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM dự kiến đến tháng 1/2022 đón học sinh trở lại, đã công bố Bộ tiêu chí an toàn, phòng chống dịch trong trường học, đồng thời xây dựng phương án tiêm chủng cho học sinh 12-17 tuổi. Tuy nhiên, kế hoạch cho học sinh lứa tuổi mầm non (dưới 5 tuổi) còn bỏ ngỏ, hiện cũng chưa có vaccine cho lứa tuổi này", kiến nghị nêu.
Anh Tuấn cho rằng mình và nhiều đồng nghiệp vẫn có thể cầm cự thêm, nhưng cần một mục tiêu hoặc kế hoạch, tiêu chí rõ ràng. Khi đó, các trường có thể dự đoán việc vay mượn để trụ lại, khả năng giữ trường có khả thi hay không, cần thay đổi thế nào để phù hợp.
Bên cạnh đó, các chủ trường mầm non cũng bày tỏ nguyện vọng sớm được mở cửa trở lại. Trong đơn kiến nghị, các trường cho rằng khi TP HCM mở cửa, phụ huynh phải đi làm và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nơi gửi trẻ. Chưa kể, tình hình ngưng hoạt động tiếp tục kéo dài sẽ khiến nhiều trường khác giải thể, giáo viên thất nghiệp dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Để tháo gỡ khó khăn, đại diện hơn 90 trường mầm non mong muốn tổ chức đối thoại với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để tìm giải pháp phù hợp.
"Chúng tôi đang rất hoang mang, không biết tương lai như thế nào. Giáo dục mầm non tư thục là một mảng nhỏ trong cả hệ thống, nhưng mong không bị bỏ quên trong các kế hoạch, chính sách", đại diện một trường mầm non nói.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết chưa nhận được văn bản kiến nghị nào của nhóm hơn 90 trường mầm non tư thục trên. Tuy nhiên, Sở cũng đã nắm được thông tin là các cơ sở giáo dục tư thục đang gặp nhiều khó khăn vì Covid-19.
Hôm nay, 20/10, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM đã công bố 3 bộ tiêu chí an toàn tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, nhằm chuẩn bị cho lộ trình mở cửa các trường vào tháng 1/2022.
Nhóm phóng viên