Từ khi xuất hiện ca Covid-19 cộng đồng đầu tiên ngày 27/4, Trang đã lo sợ trường bị đóng cửa. Nhưng khi nó thực sự đến, cô vẫn sốc, nghĩ ngay đến khoản cầm cố sổ đỏ của ông bà nội ngoại ở quê, khoản lãi ngân hàng mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, tiền thuê phòng học 3 tháng sắp phải đóng (25 triệu đồng/tháng), tiền lương nhân viên và các chi phí khác... đang chờ phía trước.
Năm 2015, sau vài năm đi làm thuê, Trang mở cơ sở mầm non đầu tiên với số vốn đi vay khoảng 800 triệu đồng. Ngôi trường nằm trong khu dân cư chủ yếu là công nhân viên chức, mức thu nhập trung bình. Để thu hút học sinh ở đây và khu vực xung quanh, Trang thu học phí khoảng một triệu đồng một tháng và tổ chức nhiều hoạt động, buổi dã ngoại. Với trẻ 4 tuổi, tiền ăn, học phí, năng khiếu và dã ngoại mỗi tháng khoảng 2,2 triệu đồng.
"Sau một năm hoạt động, tôi mở thêm cơ sở do số học sinh ngày càng tăng. Trường hoạt động tốt nên cũng có nhiều chế độ đãi ngộ cho hơn chục giáo viên", Trang kể, nhớ lại 3-4 năm trước.
Ba cơ sở mở ra trong ba năm liên tiếp khiến chồng Trang phải nghỉ việc ở nhà hỗ trợ vợ quản lý. Vợ chồng cô có kế hoạch tiếp tục mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất. "Thế nhưng mọi kế hoạch tan vỡ, từ khi Covid-19 xuất hiện", Trang thở dài nói. Không có khoản dự phòng, Trang lao đao ngay đợt dịch đầu tiên. Chủ nhà không giảm tiền thuê khiến chị phải đi vay lãi để đóng. Trang cũng không thể chuyển chỗ khác do học sinh và phụ huynh đã quen địa điểm.
Trong khi một số trường tư dừng đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên trong mấy tháng nghỉ, Trang vẫn cố gắng duy trì vì biết nếu không giữ chân được họ đồng nghĩa với việc mất học sinh và trường cũng không thể tồn tại. Khó khăn nhưng Trang cố vay mượn để hỗ trợ giáo viên một triệu đồng mỗi người.
Lần ấy, Trang từng phải viết tâm thư gửi phụ huynh, mong được đồng cảm và chia sẻ. Cô xin được tạm ứng tiền học phí của các con để trang trải tiền lương và các chi phí khác nhưng cũng không nhận được là bao. "Phụ huynh hỗ trợ được chừng nào quý chừng đó, tôi không trách họ được. Nhiều gia đình là công nhân, đồng lương hạn hẹp nên với họ 1-2 triệu đồng khi ấy cũng là cả vấn đề. Họ cũng còn phải lo cho gia đình", Trang tâm sự.
Cuối cùng, Trang phải đóng cửa một cơ sở sau đợt dịch đầu năm 2020. Khi chưa kịp hồi phục, Trang tiếp tục lâm vào nợ nần do ảnh hưởng của đợt dịch lần hai, phải dừng hoạt động cơ sở thứ hai. Trong những lúc khủng hoảng nhất, Trang từng nghĩ đến việc từ bỏ nhưng tình yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp khiến cô tiếp tục gồng mình duy trì cơ sở còn lại.
Theo Trang, các trường mầm non quốc tế ở khu dân cư cao cấp, với mức học phí cao, sẽ chỉ mất vài tháng để kéo lại khoản lỗ. Còn với những trường tư nhỏ lẻ như cô cần có nhiều học sinh hơn và mất nhiều thời gian hơn mới có thể bù lại được. Sau mỗi đợt nghỉ, số học sinh ở trường Trang giảm đáng kể, từ khoảng 60 còn 40. Lý do phụ huynh sợ dịch kéo dài, chuyển con sang trường công để giảm chi phí.
Hai năm nay, Trang ví mình như ngồi trên chảo lửa, chỉ lo co kéo đủ chi, thậm chí vay thêm mà không trả được nợ. "Giờ chỉ có nhà nước hoặc doanh nghiệp hỗ trợ may ra những trường mầm non tư thục như chúng tôi mới có thể vực dậy được", Trang mệt mỏi nói.
Cũng lâm vào tình trạng kiệt quệ, Hồng Thanh, chủ một nhóm trẻ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ hiện đến tiền chi tiêu cho bản thân cũng không có. Thanh có hai cơ sở mầm non và đều phải đi thuê nhà mỗi tháng 15 và 20 triệu đồng. Sau 5 năm mở cơ sở đầu có hiệu quả, Thanh cùng một người bạn đầu tư 700 triệu đồng cho cơ sở thứ hai, trước thời điểm Covid-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, cơ sở này vừa hoạt động được 6 tháng thì phải dừng vì không trụ nổi. Đợt dịch đầu tiên, cô vẫn cố xoay sở nhờ chút tiền tích góp từ khi đi làm. Đợt sau, cô vay mượn ngân hàng cầm cự. Còn lần này, Thanh không biết nên tiếp tục hay dừng lại vì số nợ khá lớn. "Tôi không muốn ôm con bỏ chợ, nhưng thực sự lực bất tòng tâm, tôi không đủ khả năng hỗ trợ giáo viên nữa", Thanh tâm sự.
Theo Thanh, trường công được nhà nước hỗ trợ nên giáo viên vẫn hưởng lương, trong khi trường mầm non tư thục không có nguồn. Những chủ nhóm lớp phải đi thuê trụ sở và kinh tế không vững gần như không có tia hy vọng cứu vãn khi dịch bệnh liên tục. Nguồn thu lớn nhất của các trường là học phí từ phụ huynh, nhưng giờ các con nghỉ hết khiến họ mất nguồn tài chính.
Là chủ hai cơ sở mầm non ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, anh Đặng Minh, 40 tuổi, cho rằng muốn hoạt động lâu bền, giữ chân được nhân viên, trường mầm non tư thục phải có quỹ dự phòng. Năm 2012, công việc riêng không thuận lợi, trường mầm non do vợ quản lý không có học sinh, anh Minh cầm cố ôtô lấy tiền trả lương cho nhân viên.
"Sau biến cố ấy, tôi nghĩ cần có sự chuẩn bị nên mở thêm mảng thực phẩm. Lợi nhuận từ việc bán nông sản sẽ hỗ trợ mảng giáo dục những lúc khó khăn", anh Minh giải thích. Anh hiện quản lý một nhóm chủ trường mầm non tư ở Hà Nội. Ngoài hai cơ sở mầm non là nhà riêng, anh có một trang trại ở Hòa Bình, cung cấp nông sản sạch cho các bữa ăn hàng ngày của học sinh. Mỗi đợt vườn thu hoạch hoa quả, rau, thịt, cá, phụ huynh nếu có nhu cầu có thể đặt mua.
Nhờ hướng đi đó, anh không bị ảnh hưởng nhiều sau các đợt dịch. Năm ngoái, anh trả đủ tháng đầu, 6-7 triệu đồng/người, cho 16 giáo viên, quản lý và nhân viên bếp. Những tháng tiếp theo, anh hỗ trợ họ nửa tháng lương cùng thực phẩm từ trang trại. Các cô giáo ở trọ có thể chuyển đến trường trong thời gian nghỉ dịch để đỡ khoản thuê nhà.
Tuần trước, vợ chồng anh Minh chở rau, trái cây, gà, vịt, cá từ trang trại xuống chia sẻ cho phụ huynh và các cô giáo trước khi trường tạm dừng hoạt động. "Tôi dẫn dắt bao nhiêu con người phía sau nên phải có trách nhiệm với họ. Nếu không có đầu óc quản trị, chỉ tập trung vào chuyên môn và mở nhiều cơ sở, tôi khó có thể xoay sở được khi biến cố xảy ra", anh nói.
Các chủ trường trong nhóm anh quản lý hiện hầu hết phải thu gọn ba cơ sở về một, chuyển nhượng giá rẻ hoặc trở lại đi làm thuê. Anh cho rằng dịch bệnh được xem như một cuộc thanh lọc đối với khối mầm non tư thục. Những trường trụ lại được phải có tiềm lực kinh tế.
Các chủ trường mong nhà nước có chế độ hỗ trợ khó khăn đối với khối mầm non tư thục. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, họ hy vọng các cấp ban ngành tạo điều kiện vực dậy và ổn định để phục vụ cho xã hội.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Bình Minh