Thực tế này được Bộ Trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại Quốc hội sáng 2/11, trước nhiều ý kiến từ đại biểu phản ánh hoàn thuế VAT quá chậm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo ông Phớc, đến cuối tháng 10, ngành thuế đã hoàn được 92%, giải quyết được 14.857 hồ sơ hoàn thuế. Hiện còn đọng khoảng 534 hồ sơ, trên 9.100 tỷ đồng.
Giải thích lý do hoàn thuế VAT với xuất khẩu một số ngành, hàng như gỗ, dăm gỗ, cao su bị chậm, Bộ trưởng Phớc nhắc lại các điều kiện, hồ sơ để doanh nghiệp được hoàn, gồm hoá đơn thuế VAT, chứng từ chuyển tiền. Riêng với các công ty xuất nhập khẩu, hồ sơ phải có thêm hợp đồng xuất khẩu, tờ khai hải quan.
Thực tế, một số trường hợp vướng mắc được ngành thuế xác minh ở nước ngoài, và cơ quan thuế các nước phản hồi là không tồn tại doanh nghiệp nhập khẩu. Tức hợp đồng xuất khẩu vô hiệu, nên không thể hoàn thuế", ông Phớc thông tin.
Ông cũng nhắc lại bài học trong quản lý thuế xảy ra tại Công ty Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) khiến nhiều cán bộ Cục thuế TP HCM vướng lao lý, nên "phải thực hiện đúng theo quy định của luật".
Theo Luật Quản lý thuế, nếu hoàn trước, kiểm tra sau thì thời gian là 6 ngày; còn kiểm tra trước, hoàn sau là 40 ngày. Bộ trưởng Tài chính khẳng định, nếu kiểm tra, rà soát theo Luật Quản lý thuế, và xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm, "chúng tôi thực hiện hoàn ngay".
Trước đó, nêu ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ninh, phản ánh ách tắc, tồn đọng hoàn thuế VAT, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng như tinh bột sắn, gỗ, cao su bức xúc, gửi đơn kêu cứu cấp có thẩm quyền.
Chẳng hạn, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng, thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế này chỉ phát sinh và nộp từ khâu chế biến có hóa đơn VAT.
"Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh", bà Hà nhận xét, và đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, thực hiện hoàn trước, kiểm tra sau với các đơn vị xuất khẩu uy tín.
Cũng đề cập tới hoàn thuế VAT, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét, quá trình thu phức tạp, diễn ra ở nhiều khâu khiến phát sinh chi phí cho hoàn thuế, nhưng ngân sách không được bao nhiêu.
Mặt khác, thuế này được coi là sắc thuế tiên tiến nhưng số thu lớn, tiền hoàn cũng lớn qua từng năm. Như năm 2022, số thu thuế VAT khoảng 190.000 tỷ đồng, thì hoàn thuế tới 38% thu. Tương tự, số tiền hoàn thuế này các năm 2023 và dự kiến 2024 lần lượt 44% và 43% thu thuế. Đây là bất cập, theo ông Lâm, Bộ Tài chính, ngành thuế cần rà soát, xem xét.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng đề nghị kéo dài thời gian giảm 2% VAT với tất cả mặt hàng. Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng đây sẽ là giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh tổng cầu yếu, xuất nhập khẩu chưa hồi phục. Việc giảm thuế này với tất cả mặt hàng sẽ có tác dụng nhiều hơn so với việc loại trừ lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... như hiện nay.
Tuy nhiên, khi giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói "nếu giảm nhiều quá sẽ gây áp lực cho ngân sách". Do đó, Chính phủ trình Quốc hội kéo dài chính sách tài khóa này và áp dụng như Nghị quyết 43, tức loại trừ một số lĩnh vực. Dự toán thu ngân sách 2024, ông cho biết, cũng xây dựng dựa trên việc loại trừ hai khoản giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nhiên liệu bay và kéo dài giảm 2% thuế VAT tới giữa năm sau.
Giải trình thêm về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói Chính phủ thực hiện tài khóa mở rộng. Tức là, tài khóa thâm hụt, giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Đến cuối tháng 10, thu ngân sách 2023 đạt 85% kế hoạch, tức gần 1,37 triệu tỷ đồng. Trước ý kiến cho rằng thu ngân sách chủ yếu từ đất, ông Phớc giải thích, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh mới là khoản đóng góp chính cho thu ngân sách, trên 80%. Còn khoản thu từ đất và dầu thô chiếm tỷ trọng nhỏ.
"Giảm thuế rồi nhưng làm sao để có tiền, giữ cán cân tài khóa, đưa vào nền kinh tế là 347.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43", ông nói.
Theo số liệu cập nhật của Chính phủ, giải ngân đầu tư công tới cuối tháng 10 đạt 57% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Bộ trưởng Tài chính giải thích tỷ lệ giải ngân vốn thấp trong khi kinh tế khát vốn, là do vướng mắc quy định pháp luật, như Luật đầu tư công.
Ông phân tích thêm, hiện muốn điều chỉnh danh mục công trình, vốn từ dự án này sang dự án khác phải xin ý kiến Quốc hội. Muốn lập dự án cũng phải có tiền, đưa vào kế hoạch đầu tư công. Vì thế nhiều dự án trọng điểm, như sân bay Long Thành, cần kíp nhưng vẫn chưa giao được vốn vì dự án muốn được duyệt phải có tiền.
"Luật Đầu tư công cần phải mở ra, đa dạng hóa nguồn vốn, cân đối được tài khóa, sửa đổi về quy định trình tự thủ tục. Nếu không sửa luật này thì còn bàn mãi về giải ngân đầu tư công", Bộ trưởng Phớc chốt lại. theo ông, tới đây sửa Luật Ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tính toán đưa nội dung về chi thường xuyên, chi đầu tư để gỡ vướng trong giải ngân vốn công.