![]() | ||
“Tôi đọc đi đọc lại thông báo này rất nhiều lần nhưng vẫn không hiểu được hệ số K là do đâu mà có. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp khác thì tình hình cũng thế, và không ai có thể giải đáp được câu hỏi này”, ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc công ty may Sài Gòn 3 bức xúc.
Còn ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEK) thì cho rằng: “Tôi không đồng ý với cách tính của Bộ Thương mại. Tôi không hiểu vì sao lại có đến 3 hệ số K1, K2, K3. Việc căn cứ vào đâu để lấy tổng hạn ngạch 8 tháng cuối năm 2003 và tổng mức thực hiện 15 tháng cũng cần phải xem lại”. Một điều khó hiểu khác, theo ông Hoan là vì sao số hạn ngạch của 8 tháng còn lại lại nhỏ hơn nhiều so với mức thực hiện của 15 tháng trước (tính từ 1/1/2002). Về những thắc mắc trên của doanh nghiệp, Vụ phó Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại) Lê Văn Thắng khẳng định với VnExpress, Tổ điều hành liên ngành đã làm hết sức mình để đảm bảo việc phân giao hạn ngạch được chính xác, công bằng. Theo ông, một trong những tiêu thức quan trọng trong việc phân giao hạn ngạch là phải tìm ra hệ số K chung cho mọi doanh nghiệp. "Nếu các doanh nghiệp gửi hồ sơ về cùng một thời điểm, hay nói khác đi, nếu Bộ Thương mại có cùng lúc trong tay 100% hồ sơ của các doanh nghiệp làm hàng sang Mỹ, và trong các báo cáo đó thể hiện đầy đủ những thông số như công suất, thiết bị, số lao động thì việc tìm ra hệ số K rất dễ và chỉ cần 2 hệ số K cho 2 nhóm doanh nghiệp mà thôi", ông Thắng nói.
Nhưng thực tế lại không suôn sẻ như vậy. Ngay từ đầu, lúc chưa phân giao hạn ngạch, Liên bộ Thương mại, Kế hoạch & Đầu tư và Công nghiệp không biết rõ có bao nhiêu đơn vị làm hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ. Đến 10/6, khi Bộ giao hạn ngạch đợt 1, thì cũng chỉ có 329 doanh nghiệp có hồ sơ hợp lệ gửi về. 6 ngày sau, số hồ sơ về nhiều hơn, lên tới hơn 400 doanh nghiệp, trong đó có cả những đơn vị chưa tham gia xuất khẩu sang Mỹ trong vòng 15 tháng. Mỗi đợt phân giao như vậy, Tổ điều hành phải đưa ra một hệ số K riêng, sao cho phù hợp với lượng quota còn lại của năm 2003. "Dù có nhiều số K cho mỗi đợt phân giao khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo sao cho mọi doanh nghiệp trong cùng một đợt đều được hưởng một hệ số phân bổ quota như nhau. Tất nhiên, trong các đợt phân bổ cuối, hệ số K có thấp hơn trước, bởi lúc đó, nguồn hạn ngạch còn rất ít. Vì vậy, doanh nghiệp nào nộp hồ sơ chậm hay nộp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ và phải nhận hạn ngạch muộn thì phải chấp nhận hệ số thấp hơn", ông Thắng khẳng định. Còn về việc tại sao lại ít hạn ngạch đến như vậy, ông Thắng giải thích: "Nói là năm nay ký được hạn ngạch nhiều hơn năm ngoái, nhưng trên thực tế chỉ có 4 Cat chính được tăng nhiều là 338-339 và 347-348. Hầu hết các Cat khác, số lượng ký được trong Hiệp định Dệt may với Mỹ đều căn cứ vào số thực hiện của năm 2002 cộng thêm khoảng 10% tăng trưởng". Theo ông Thắng, số lượng ký được cho các Cat đó chỉ đủ cho nhóm doanh nghiệp đã xuất khẩu từ năm ngoái, không có phần cho doanh nghiệp mới tham gia. Tuy nhiên, những giải thích trên đây cũng chưa làm hài lòng doanh nghiệp. Một số đơn vị quá bức xúc trước tình hình phân bổ hạn ngạch đã tự ra Hà Nội để tìm hiểu, đồng thời “kêu ca” và tìm cách gỡ cho mình. Ông Phúc Sinh, Giám đốc công ty may Maika, đang chầu chực tại văn phòng Bộ Thương mại, cho biết: “Công ty tôi đã bị âm hạn ngạch rất nhiều. Từ sáng đến giờ tôi vẫn chưa có thời gian đọc kỹ thông báo về việc phân bổ, nhưng được các đồng nghiệp cho biết thì cũng thấy khó hiểu quá”. Trên cương vị đại diện cho khối doanh nghiệp dệt may TP HCM, ông Hoan cho biết, sẽ có kiến nghị chính thức của AGTEK sau khi trao đổi lại với Hội dệt may Việt Nam. Bùi Đương - Song Linh |