Ngày 23/10, TS BS Trần Ngọc Quảng Phi, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Văn Lang (TP HCM), cho biết há miệng hạn chế hầu như là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý uốn ván.
Há miệng hạn chế sẽ xuất hiện sau hai đến 30 ngày kể từ biến cố vết thương nhiễm trùng uốn ván, thường là vết thương dơ. Tuy nhiên, nhiều người không nhớ được trước đó có vết thương hay không. Dấu hiệu nhận biết là ăn uống khó, nuốt khó, bệnh nhân có thể cắn vào muỗng hay đũa khi ăn.
Tình trạng này sẽ ngày càng tăng, ban đầu có thể há được 3,5cm nhưng có thể chỉ còn một cm trong thời gian khoảng 7-10 ngày. Do há miệng hạn chế trong uốn ván thường không đau, nên dễ bị xem thường. Đây là trường hợp nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong, cần khám sớm.
Trường hợp thứ hai, há miệng hạn chế liên quan đến ung thư vùng hầu họng và các vị trí liên quan đến các cơ nhai. Há miệng hạn chế liên quan đến ung thư thường không kèm theo dấu hiệu đau nên bệnh nhân cũng dễ bỏ qua. Vì ung thư vùng miệng và hầu họng (gây há miệng hạn chế) liên quan đến các cấu trúc sâu, dấu hiệu nghèo nàn nên ít được chú ý, ngay cả với các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt hay bác sĩ tai mũi họng.
Đặc điểm chung là tình trạng há miệng nhỏ dần trong khoảng thời gian 1-3 tháng, với mức độ ngày càng nhỏ dần và lệch sang một bên khi há. Ung thư thường gặp liên quan đến há miệng hạn chế là ung thư vòm. Dấu hiệu kèm theo có thể là ù tai, nhức đầu hay nghẹt mũi. Tuy nhiên, có những bệnh nhân hoàn toàn không có những triệu chứng này, khiến bác sĩ tai mũi họng cũng không nghĩ đến. Các bác sĩ răng hàm mặt đôi khi nghĩ đến rối loạn khớp thái dương hàm và điều trị theo hướng này, làm chậm thời gian vàng.
Những bệnh nhân được phát hiện kịp thời, điều trị sớm có thể ổn định trên 5 năm, 10 năm và thậm chí trên 15 năm.
Há miệng hạn chế thường nhất là do rối loạn khớp thái dương hàm. Dù loại này phổ biến nhất, nhưng nên được nghĩ đến sau cùng. Nếu há miệng hạn chế do khớp thái dương hàm dưới ba tuần, việc điều trị nắn đĩa giúp há miệng lớn có thể thành công 90%. Với há miệng trên 4 tuần, khả năng nắn đĩa thành công chỉ còn một nửa.
Há miệng hạn chế ba tháng trở lên phải có can thiệp xâm lấn vào khớp và phải là bác sĩ chuyên khoa về khớp thái dương hàm mới giải quyết được.
Bác sĩ Phi khuyến cáo trong mọi trường hợp há miệng hạn chế, cần khám sớm để được điều trị kịp thời là tốt nhất. Chần chừ, chậm trễ không khám sớm có thể khiến tình trạng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Lê Phương