Chùa tháp có từ thời Trần, xây trên gò đất cao bên sông Lam, thuộc xã Tả Ao, tổng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, nay là thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trải qua biến thiên của lịch sử, tòa tháp nay đã thành phế tích, trên nền đất cũ là đền Huyện, tổng diện tích quần thể rộng 1.000 m2.
Qua hình khắc họa trên các lá bồ đề bằng đất nung, nhà chức trách xác định tòa tháp 9 tầng, được xây bằng gạch đất nung, liên kết bằng vôi vữa trộn cát, bốn mặt có cấu tạo giống nhau, xung quanh đắp nhiều phù điêu, hoa văn thời Trần. Chân tháp hình vuông, không có cửa, thân nhỏ dần về phía ngọn.
Ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết chùa tháp ở huyện Nghi Xuân cùng với tháp Cửu Diện ở Rú Nghèn, huyện Can Lộc, là hai tòa tháp có kết cấu đặc biệt nhất Hà Tĩnh, thể hiện sự phát triển vượt bậc của Phật giáo thời xưa. Cả hai di tích đều không còn.
Tòa tháp ở huyện Nghi Xuân còn được xem là kho di vật, bởi trước đây xung quanh công trình xếp nhiều tượng Phật, bên trong đặt hộp xá lỵ cùng nhiều bình gốm sứ, bát làm bằng gốm men mạn ngọc, tiền xu... Tồn tại khoảng một đến hai thế kỷ, tháp hư hỏng rồi sụp đổ, những cổ vật vì thế bị chôn vùi dưới lòng đất.
Sau này nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng trên nền đất cũ của tháp, song nhiều lúc một số di vật vẫn trồi lên. Một thời cư dân đã xăm đào được nhiều bình, thạp, bát, đĩa, hũ của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Đặc biệt, họ còn tìm thấy khuyên tai hình hai đầu thú bằng đá đen, loại trang sức độc đáo chứng tỏ sự giao lưu văn hóa thời bấy giờ đã có với các vùng xa.
Năm 1976, dấu vết tòa tháp được các nhà khảo cổ học lần đầu phát hiện. Từ năm 1990, giới chuyên môn đã tiến hành các cuộc điều tra và thám sát. Kết quả cho thấy dưới địa tầng văn hóa có nhiều di vật quý, đặc biệt là công cụ như cuội ghè, gốm Đông Sơn, sành sứ, lò luyện gang, gạch ngói, mảnh bao nung...
Năm 2017, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với chuyên gia, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức đợt khai quật lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực từng xây tháp. Trong một tháng, đoàn công tác căng dây, cắm cọc, dùng cuốc, xẻng đào nhiều hố tìm kiếm, thám sát trên diện tích 30-97 m2. Ở độ sâu 30-90 cm, hàng nghìn mảnh gốm men, sứ, tiền đồng, vật liệu kiến trúc có niên đại từ trước công nguyên đến thế kỷ 19 dần lộ ra trên nền đất.
Trong các di vật, nổi bật có đầu rồng thời Lý - Trần bằng đất nung, trụ móng tháp cổ 9 tầng, ngói sen lợp diềm mái chất liệu đất sét pha cát, âu chân đèn dòng men ngọc, gạch múi bưởi và gạch chữ nhật màu tháp tiêu biểu thời Đường...
"Rất tiếc vì nhiều di vật không còn nguyên vẹn. Chuyên gia phải mất nhiều tháng lắp ghép những mảnh vỡ rời rạc thành khối hoàn chỉnh. Trước đây, chúng tôi từng rất đau đầu khi thiếu những tư liệu liên quan các triều đại, nay thở phào bởi những di vật tìm thấy từ tháp giúp giải mã nhiều thứ", ông Công nói.
Cơ quan chuyên môn xác định, những di vật được phát hiện chứa đựng tầng văn hóa từ sơ sở đến thế kỷ 19, thể hiện quá trình tụ cư và phát triển của cư dân bản địa, đồng thời nói lên sự đa dạng về văn hóa của huyện lỵ Nghi Xuân xưa.
Hiện những di vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Tĩnh và một số cơ sở, trung tâm văn hóa ở huyện Nghi Xuân nhằm phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu.
Theo các nhà văn hóa, dưới nền đất cũ của tòa tháp còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã. Hàng nghìn di vật như tiền xu, đồ gốm, gạch điêu khắc thể hiện sự phát triển của các triều đại phong kiến vẫn còn ẩn sâu dưới các tầng đất. Ngành văn hóa Hà Tĩnh đang lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn về khảo cổ tiếp tục tổ chức đợt khai quật, thám sát lớn vào năm 2023.
"Việc khai quật không chỉ giải mã yếu tố lịch sử mà còn là cơ sở quan trọng trong xác định vị trí và vai trò của vùng đất Hà Tĩnh dưới các triều đại xưa. Di vật và tư liệu khảo cổ thu được sẽ giúp ích trong việc xác định quy mô, diện tích tòa tháp, phục vụ nghiên cứu", Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho hay.