Tháng 12/2017, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với đoàn công tác gồm chuyên gia, cán bộ, sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức đợt khai quật khảo cổ lớn nhất từ trước đến nay tại khu đất trước kia chùa tháp tọa lạc, thuộc thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Các hố thám sát rộng 30-97 m2 được đào để tìm kiếm di vật bên dưới. Cán bộ chuyên môn dăng dây để chọn vị trí khai quật, ghi lại tỉ mỉ những di vật được tìm thấy. Ở độ sâu 30-90 cm, hàng nghìn di vật gồm gạch nung, đồ gốm men, sứ, tiền đồng, vật liệu kiến trúc có niên đại từ trước công nguyên đến thế kỷ 19 dần lộ ra trên nền đất. Các chuyên gia của Bảo tàng Hà Tĩnh kiểm tra các di vật tìm thấy dưới lòng đất trong đợt khảo sát cuối năm 2017. Vỏ nồi đất, đồ gốm thuộc thế kỷ 1-2 trước công nguyên. Gạch nung dùng để xây chùa tháp. Trên viên gạch có ghi kết cấu, vị trí của từng tầng, người thợ khi xây tháp sẽ căn cứ vào các ký hiệu này để lắp ráp cho đúng. Các loại đồ gốm, men niên đại thời Trần, thế kỷ 13-14. Lá bồ đề làm bằng đất nung, dùng để trang trí trong chùa tháp. Viên gạch đất nung trang trí hình rồng, là hiện vật độc đáo, có giá trị kiến trúc khi xây các công trình Phật giáo thời xưa. Trên nền đất của tháp cũ ở thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, hiện nay nhà chức trách đã xây đền Huyện, thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Đền Huyện rộng khoảng 1.000 m2, gồm các tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, kiến trúc qua thời gian đã được xây mới. Hàng năm nơi đây đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, dâng hương. Đức Hùng