Thứ năm, 7/11/2024
Thứ tư, 5/10/2022, 14:51 (GMT+7)

Kho cổ vật hơn 600 tuổi ở thành nhà Hồ

Thanh HóaSau gần 20 cuộc khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện hàng trăm nghìn cổ vật ở kinh thành đá độc nhất Việt Nam - thành nhà Hồ.

Sau các cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn gần đây, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ mới đưa vào trưng bày nhiều cổ vật quý gắn với niên đại hình thành và tồn tại của kinh thành đá độc đáo, được xây dựng cuối thế kỷ 14.

Mỗi ngày, khu trưng bày cổ vật, hiện vật tại thành nhà Hồ thu hút hàng nghìn lượt du khách và các nhà nghiên cứu đến tham quan, tìm hiểu.

Chiếm nhiều nhất là nhóm hiện vật được chế tác bằng đá gồm đá tảng xây thành, bi đá, đạn đá hay các quả đối trọng dùng làm súng bắn đá tiêu diệt kẻ địch khi quân đội phòng thủ bảo vệ hoàng thành Tây Đô.

Bi đá, đạn đá được tìm thấy nhiều trong lần khai quật đường Hòe Nhai (đường Hoàng Gia) gần cổng nam thành và lần khảo sát ở làng Đồi Mỏ (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) năm 2015.

Những viên đạn đá hình tròn được mài nhẵn, đường kính 5-7 cm được đặt bên cạnh mô phỏng những khẩu súng thần công do Hồ Nguyên Trừng, con trai cả Hồ Quý Ly, phát minh cách đây hơn 600 năm.

Theo tài liệu lịch sử, đầu thế kỷ 15, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh, nhà Hồ (1400-1407) đã cải tiến vũ khí chiến đấu, cho ra đời súng thần công, còn gọi là thần cơ thương pháo. Súng sử dụng thuốc nổ để bắn các loại đạn đúc bằng chì, gang hoặc đá, có sức công phá tốt, hiệu quả sát thương, uy hiếp tinh thần đối phương rất cao.

Ngoài súng thần công, quân đội nhà Hồ còn chế tạo súng bắn đá hoạt động theo cơ chế vật lý đơn giản.

Súng được đặt trên các bức tường thành phía trong, hoạt động theo nguyên tắc đòn bẩy. Phía trước súng gắn xảo đựng bi đá và một sợi dây bền chắc, phần sau sẽ là các quả đối trọng. Khi binh lính tác động lực vào sợi dây và thả tay ra thì đá sẽ bắn ra phía sau. Những biên bi đá bắn xa hay gần phụ thuộc vào lực tác động của con người và quả đối trọng.

Nhiều viên bi đường kính lớn hơn 20-30 cm ngoài sử dụng cho súng bắn đá còn phục vụ quá trình vận chuyển đá xây thành.

Để chuyển những phiến đá lớn, người xưa đã cho xây những con đường lát đá phẳng từ công trường khai thác về tới địa điểm tập kết dưới chân thành. Trên những con đường đá ấy, họ cho xếp dày đặc những con lăn bằng gỗ cứng, mỗi con lăn 2-4 m, đặt xen kẽ là những viên bi đá tạo nên băng chuyền với sự trợ giúp của sức kéo động vật như trâu, ngựa, voi...

Một hũ tiền đồng cổ thời Trần - Hồ được tìm thấy trong thành nhà Hồ.

Sử sách ghi lại, từ khi có ý định giành ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đã dự liệu phải chống lại sự can thiệp của nhà Minh, do đó ông chủ trương thu gom đồng để đúc vũ khí đồng thời đưa vào sử dụng tiền giấy nhằm tập trung tài nguyên cho quân sự.

Khi tiền giấy in xong, nhà vua hạ lệnh cho dân đem tiền thực đổi lấy tiền giấy, cứ một quan tiền đồng lấy một quan hai tiền giấy. Triều đình đặt ra quy định bắt buộc dùng tiền giấy, không được dùng tiền đồng, nếu người nào làm giả tiền giấy thì phạt tử hình. Tuy nhiên, việc dùng tiền giấy không được sự ủng hộ của dân chúng và nhà Hồ đã thất bại trong cuộc cải cách tiền tệ này.

Những viên gạch xây thành khi xưa có kích thước lớn và cấu trúc bền vững. Điều đặc biệt là trên mỗi viên gạch đều in và khắc chữ Hán ghi tên các địa danh đã tham gia sản xuất gạch.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 300 địa danh sản xuất gạch xây Thành nhà Hồ, tiêu biểu như Vĩnh Lộc, Nông Cống, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Hà Trung, Tuyên Quang, Hưng Yên… Điều này chứng tỏ có sự huy động sức dân rộng rãi trong cả nước khi xây thành, góp phần lý giải tại sao thành nhà Hồ được xây dựng trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng ba tháng là hoàn thành.

Trong lần khai quật năm 2007, các nhà khảo cổ học đã phát hiện chiếc thống đất nung cổ đường kính 78 cm, cao 75 cm. Nó được dùng chứa nước cho nhà vua rửa tay, tẩy trần chuẩn bị cho lễ tế trời đất tại đàn tế Nam Giao.

Đầu chim phượng bằng đất nung có niên đại cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 với hoa văn trang trí tinh xảo, rõ nét được tìm thấy ở đàn tế Nam Giao thành nhà Hồ. Đây là vật liệu đặc trưng cho kiến trúc Đại Việt cuối giai đoạn Trần - Hồ, được dùng trang trí trên mái cổng lớn ở đàn Nam Giao.

Một viên ngói lá đề còn khá nguyên vẹn. Loại ngói này vốn dùng làm vật trang trí trên bờ nóc, bờ vẩy những cung điện khu vực thành nội cùng với nhiều loại khác như ngói mũi sen, ngói bò, ngói âm dương, ngói đầu đao, đầu rồng, uyên ương...

Đầu rồng đá thời Trần - Hồ dùng trang trí kiến trúc bậc thềm cung điện. Hiện vật có màu xanh xám, trang trí một mặt khá tinh xảo.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho hay sau 19 đợt khai quật khảo cổ trong hơn 10 năm qua, các nhà khoa học đã phát hiện hàng trăm nghìn hiện vật liên quan kinh thành này. Tuy nhiên, do nhà trưng bày không đủ diện tích nên số hiện vật còn lại hiện được bảo quản trong kho, số khác ít bị tác động bởi thời tiết như gạch, đá đang được trưng bày ngoài trời.

Một góc cổng nam thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành còn gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong đã bị phá hủy.

Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, thuộc Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris, thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Kho cổ vật hơn 600 tuổi ở Thành nhà Hồ
 
 

Cổ vật trưng bày ở Thành nhà Hồ. Video: Lê Hoàng

Lê Hoàng