"Một số người dừng bán, chờ giá bất động sản (BĐS) tăng hoặc khởi sắc, theo tôi điều này khó xảy ra", độc giả Haivy Nguyen nhận định như trên về trường hợp một người ngừng rao bán cắt lỗ lô đất ở Bình Dương sau nhiều lần bị khách ép giá sâu: Lô đất mua năm 2021 với giá 3,6 tỷ đồng, giờ bán 3,2 tỷ đồng vẫn bị chê cao trong bài viết Dừng cắt lỗ bất động sản chờ giá tăng.
Độc giả này tiếp tục phân tích: "Chủ đất nên nhớ lúc họ mua giá 3,6 tỷ đã là cao, còn khi giá đã giảm thì họ phải chịu lỗ. Vì không có người mua giá 3,6 tỷ thì bán cho ai bây giờ? Cứ cho là họ tiếp tục dừng bán BĐS như hiện nay. Rồi sau vài tháng hay nửa năm thì sao?
Tóm lại giữa bối cảnh khó khăn ai chống chịu được thì cứ chống, ai không chống chịu được thì "sụp" thôi".
Độc giả Hà Huy Đức nói: "Người mua BĐS bây giờ chỉ còn hai nhóm khách hàng là 'người đầu cơ' và 'nhà đầu tư' mà nhà đầu tư thì rất ít người đầu cơ cũng không còn nhiều thì lấy cái gì để lên giá. Trên thị trường mua bán sôi động chỉ hai nhóm này thôi, người mua để ở thực sự được bao nhiêu người?".
Trước làn sóng cắt lỗ bất động sản có chiều hướng giảm về cuối năm, nhiều chủ đất chọn cầm cự khi nhìn thấy tín hiệu tích cực từ thị trường. Một số độc giả cho rằng nếu không quá kẹt dòng tiền, trả nợ vay thì chủ đất có thể giữ lại chờ thời, tuy nhiên không nên kỳ vọng giá sẽ tăng đột biến trong thời gian tới, độc giả nguyenxuannam21 nói:
"Có thể giá không rớt thêm nhưng sẽ đứng yên một thời gian dài, vì bây giờ kinh tế khó khăn dân tạo ra thu nhập kém hơn trước nên ít người dám mạo hiểm vay đầu tư vì tỷ suất lợi nhận giờ cũng đã giảm sâu cho dù lãi vay hạ nhiệt, chỉ ai có tiền dư mới nghĩ đến mua ở hoặc cho con cháu".
Độc giả hongnhungpaticusi kể: "Một người quen của tôi hôm qua nói có miếng đất vườn 5000 m2, trong đó thổ cư 500 m2 đòi bán 70 tỷ đồng, đất ở Nhơn Trạch Đồng Nai, không phải mặt đường.
Thời gian này mua đất lớn không tách thửa được thì mua làm gì. Đất đã tách thửa ở các tỉnh vệ tinh TP HCM hiện nay còn rất nhiều chưa tiêu thụ hết vì suy thoái kinh tế bán rất chậm. Các ông lớn thì đều kẹt vốn, người dân mua ở thì không đủ tiền. Vậy nên đất không thể lên ngay được. Tâm lý chờ sốt đất để đẩy hàng là khó xảy ra trong vài năm tới".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.