Vụ sụp lún xảy ra chiều qua, tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, đến trưa nay vẫn tiếp diễn. Nhà kho khá kiên cố (xây tường, lợp tôn), nằm gần kênh Thốt Nốt, có băng chuyền chuyển tải lúa gạo của doanh nghiệp nứt toác, sụp nền từng mảng lớn, lún 0,3-1 m so mặt đường.
Đường tỉnh 921 tại khu vực này (nối huyện Cờ Đỏ với quận Thốt Nốt) tiếp tục xuất hiện các vết nứt dài và mở rộng thêm.
Ông Lê Chí Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết khu vực nhà kho sạt lở dài hơn 135 m, rộng hơn 11 m, tổng diện tích hơn 1.500 m2, ước tổng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Sụt lún còn làm nứt mặt đường với chiều dài 48 m, rộng 3,5 m, tương đương 168 m2.
"Chính quyền địa phương đang huy động lực lượng hỗ trợ tháo dỡ nhà kho, di dời hàng hóa, tài sản ra ngoài, đồng thời lắp đặt cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng, điều tiết giao thông", ông Phương nói.
Bước đầu ngành chức năng địa phương nhận định nhiều khả năng vụ sụp lún do nắng hạn kéo dài, kênh xáng Thốt Nốt cạn nước, nhiều sà lan chở vật tư, lúa gạo chạy qua. Thời điểm xảy ra sự cố, trong kho chứa nhiều hàng tạo ra trọng lực lớn lên nền nhà.
Tình trạng khô hạn kéo dài nhiều tháng qua đã gây ra hàng loạt vụ sụp đất, sạt lở ở miền Tây. Nghiêm trọng nhất là huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, với hơn 600 điểm sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh, tổng chiều dài hơn gần 19 km, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Ở huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, cũng ghi nhận hơn 300 vụ sạt lở đất ở nhiều tuyến đường với tổng chiều dài gần 8,2 km; hư hỏng nhiều nhà của người dân; tổng thiệt hại hơn 90 tỷ đồng...
Theo một số chuyên gia, nắng nóng khiến các kênh cạn nước, gây ra chênh lệch lớn về độ cao giữa mặt đường và mực nước dưới kênh dẫn đến sụt lún. Tình trạng nạo vét khiến đáy kênh ngày càng sâu, nền đất ở khu vực yếu cũng là nguyên nhân sự cố.
An Bình