Chủ nhật, 24/11/2024
Thứ năm, 11/4/2024, 10:10 (GMT+7)

Đường, nhà dân tan hoang do sạt lở ở Kiên Giang

Khô hạn kéo dài gây ra gần 300 vụ sạt lở đất ở huyện U Minh Thượng, nhiều tuyến đường và nhà cửa nằm dọc kênh hư hỏng, ảnh hưởng người dân.

Hôm 8/4, sạt lở khiến căn nhà hai tầng ven đường tỉnh 965 của anh Huỳnh Văn Lịch, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, nghiêng và sụt lún, chỉ còn một tầng trên mặt đất. Căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng, mới cất hơn một năm thì sự cố ập đến.

Tầng trệt xây trên mặt đất như tầng hầm sau vụ sạt lở.

Anh Lịch (chủ nhà) cho biết khi xây dựng đã làm móng rất kỹ, đặc biệt là phía sau vì sợ sạt xuống kênh, không ngờ đất sụp phía trước. Sau sụp, căn nhà không thể sửa chữa, chủ nhà tốn vài chục triệu đồng để phá dỡ.

Chị Võ Kim Anh, chủ căn nhà sàn, thất thần sau vụ việc. "Đâu có nghĩ nó sụp dữ thần vậy. Bao nhiêu tiền dành dụm tan tành hết rồi", chị nói.

Cách đó 2 km, căn nhà của ông Sinh, ngổn ngang sau sạt lở. Gia chủ chỉ kịp gom một số vật dụng vào góc nhà. Gia đình 5 người thuê một căn khác ở tạm.

Kế bên, căn nhà hai tầng chưa xây xong, sạt xuống kênh khuya hai tuần trước. Lo lắng sự cố còn tiếp diễn, chính quyền căng dây hạn chế ra vào.

Thống kê của địa phương, sụt lún đất thời gian qua 26 căn nhà ở U Minh Thượng hư hỏng, nguy cơ đe dọa 54 căn khác.

Không chỉ làm hư hỏng nhà cửa, sụt lún còn làm hư hại hệ thống giao thông ở địa bàn. Đường nông thôn trước nhà ông Lâm Hoàng Nam, xã An Minh Bắc, bị sạt xuống kênh, ngày 7/4.

"Tui thấy hàng dừa ven lộ rung lắc dữ dội nhưng trời trong xanh, không một cơn gió. Bước ra thấy bêtông bị xé toạc, đường sạt trong tích tắc", ông Nam nói.

Toàn bộ mặt đường sạt sâu hơn một mét. Người dân phải đi vào bên trong trong lề đất.

Tuyến đường bị hư hỏng nằm ven kênh, mới được nâng cấp hồi đầu năm trước. Đến nay gần chục điểm sạt lở trên lộ, dưới kênh cạn trơ đáy, người dân gặp khó khăn vận chuyển lúa gạo, nông sản.

Theo chính quyền Kiên Giang, sạt lở ở địa bàn thời gian qua do nắng nóng, khô hạn, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng khiến hệ thống kênh nội vùng cạn nước. Tình trạng này gây ra chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới kênh dẫn đến sụt lún đất. Ngoài ra, nạo vét nhiều khiến đáy các kênh khá sâu (khoảng 5 m), nền đất ở khu vực yếu cũng là nguyên nhân sự cố tăng cao.

Vị trí xảy ra sạt lở do khô hạn. Đồ họa: Đăng Hiếu

Vùng đệm U Minh Thượng rộng 14.300 ha được bao bọc bởi đường tỉnh 965, hệ thống kênh và đường nông thôn nội vùng. Sạt lở khiến hai xã Minh Thuận, An Minh Bắc thiệt hại ước tính hơn 90 tỷ đồng. Ngày 10/4, UBND tỉnh Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sụp lún đất do hạn hán xảy ra ở khu vực này.

Nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 3 khiến một số địa phương miền Tây bị ảnh hưởng. Huyện Trần Văn Thời ở Cà Mau cũng xảy ra khoảng 340 vụ sụt lún tại các tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 9 km. Nhiều tỉnh xảy thiếu nước nghiêm trọng cho sinh hoạt và sản xuất.

Ngọc Tài