Đình Trọng, Duy Mạnh, Xuân Mạnh, Văn Thanh, Văn Đức, Xuân Trường là sáu trong số 11 cầu thủ đá chính của Việt Nam trong trận chung kết U23 châu Á 2018 đã phải lên bàn mổ vì đứt dây chằng. Nhiều người đặt dấu hỏi về việc sử dụng và chăm sóc y tế cho cầu thủ Việt.
Độc giả Nguyen long cho rằng, đã đến lúc chấm dứt việc đưa cầu thủ tuyển quốc gia xuống đá các giải trẻ để lấy thành tích:
"Tôi nghĩ cầu thủ nào là trụ cột, đá chính nhiều ở ĐTVN thì không nên xuống U23 Việt Nam nữa. Bây giờ, chúng ta phải dồn toàn lực cho ĐTQG, giải U chỉ nên coi là thử nghiệm. SEA Games chúng ta đã vô địch rồi nên HCV SEA Games không còn quan trọng nữa. Còn U23 châu Á 2022 không phải vòng loại giành vé Olympic nên đem U21 đi đá cũng được. U23 châu Á chắc chắn sẽ mãi không thể trở thành một giải đấu lớn được vì nó thiếu tất cả mọi thứ:
- Thiếu ngôi sao (vì không phải giải đấu bắt buộc các CLB phải "nhả" người).
- Giải U nên không được tính điểm xếp hạng FIFA.
- U23 châu Á không có truyền thống và thương hiệu (mới được lập năm 2013).
- Lượng khán giả đến sân thấp (chưa bằng một nửa V-League).
Do đó, giải U23 châu Á thiếu mọi thứ để trở thành một giải đấu lớn. Do đó, chúng ta không cần quan trọng thành tích ở giải này, hãy tập trung đầu tư cho ĐTQG".
Trong khi đó, đánh giá về công tác chăm sóc y tế cho cầu thủ, bạn đọc Ác Mộng Chile khẳng định bóng đá Việt Nam còn thiếu và yếu về nhiều mặt:
"Có lẽ chúng ta đang xem nhẹ vai trò của y tế thể thao, huấn luyện thể lực, và chuyên gia dinh dưỡng. Cần đầu tư nhiều hơn cho những vấn đề trên bằng cách cử cán bộ đi học, đi tập huấn; mời thêm các chuyên gia nước ngoài về để bổ sung thêm kiến thức cho cán bộ trong nước.
Tôi nghĩ đây là vấn đề chung cho các CLB, nên việc kêu gọi góp quỹ hay vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm kinh phí cho các mảng này là cần thiết, và nhất định sẽ được ủng hộ.
Hãy nhìn vào Hàn Quốc, Nhật Bản... Thực chất, kỹ thuật chơi bóng của họ không hơn chúng ta là bao, nhưng thể lực và thể chất thì Việt Nam còn kém xa về trình độ với họ. Nguyên nhân là cách họ đầu tư, huấn luyện rất chuyên nghiệp và khoa học. VFF nên sớm có đề án cho công việc này".
Cùng chung quan điểm trên, độc giả Lê Quang nhấn mạnh thêm vai trò và trách nhiệm của VFF trong việc cải thiện thể chất cầu thủ Việt:
"Tôi thấy VFF đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn 2018-2020, kế thừa thành công của U23 tại Thường Châu. Tuy nhiên, những thứ đã làm vẫn chỉ mang tính ngắn hạn, ví dụ như tăng chi phí tập huấn, nâng cao bữa ăn cho các cầu thủ ĐTQG, chi trả hậu hĩnh cho BHL... Những thứ dài hạn vẫn chưa thấy đâu: đưa ra tiêu chí về mặt sân thi đấu, về điều kiện SVĐ (hệ thống âm thanh, an ninh, nhà vệ sinh...) để thu hút khán giả, kết hợp hỗ trợ các giải đấu bóng đá học đường, điều chỉnh lịch thi đấu V-League sao cho phù hợp ĐTQG, và hạn chế việc một cầu thủ phải đá cho cả hai cấp độ U23 và ĐTQG dẫn đến quá tải.
Mong VFF hãy nghĩ đến tầm nhìn dài hơi hơn, phải cố gắng tạo điều kiện thi đấu hợp lý mới mong tránh chấn thương cho các cầu thủ trụ cột. Bóng đá phục vụ khán giả chỉ là thứ yếu, còn để các cầu thủ có thể yên tâm biến bóng đá thành nghề chuyên nghiệp, lo miếng cơm manh áo mới là điều quan trọng nhất. Đừng vắt kiệt sức các cầu thủ chỉ để lấy thành tích. VFF vẫn còn rất nhiều việc phải làm".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.