![Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga. Ảnh: TASS.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/11/06/Krasukha-4-2-001-1176-1541485535.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jcY6WbH8nwlyL-cGTA9EYQ)
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga. Ảnh: TASS.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/11 tuyên bố tổ hợp tác chiến điện tử Silok đã vô hiệu hóa các máy bay không người lái (UAV) trong một cuộc diễn tập tại tỉnh Leningrad. Giới chuyên gia nhận định đây sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng với quân đội Mỹ, lực lượng ngày càng phụ thuộc vào UAV để làm "cánh tay nối dài" trên chiến trường hiện đại, theo National Interest.
Trong kịch bản diễn tập, một bầy UAV tìm cách xâm nhập vùng cấm bay được quân đội Nga thiết lập. Kíp vận hành hệ thống Silok xác định vị trí và tiến hành các biện pháp gây nhiễu, khống chế để buộc chúng hạ cánh. Công binh được triển khai để vô hiệu hóa các thiết bị nổ tự chế (IED) gắn trên UAV, trong khi cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm bắt giữ người điều khiển.
Silok là hệ thống gây nhiễu vô tuyến mới nhất được Nga triển khai gần đây. Chúng đủ sức cắt đứt hệ thống điều khiển vô tuyến của đối phương, trong đó có cả liên kết giữa các tổ hợp UAV và trung tâm điều khiển.
Dù đã vận hành các hệ thống gây nhiễu vô tuyến từ lâu, Nga mới chỉ thành lập đơn vị chống UAV đầu tiên hồi tháng 10/2017. Moskva cũng triển khai nhiều hệ thống gây nhiễu đến Syria để bảo vệ các căn cứ quân sự, trong đó tổ hợp Silok mới xuất hiện từ tháng 8.
Lá chắn điện tử của Nga từng thể hiện uy lực khi hai căn cứ ở Syria bị một bầy UAV mang thuốc nổ tấn công đêm 5/1/2018. Lưới phòng không tầm gần Pantsir-S bắn hạ 7 chiếc, trong khi hệ thống tác chiến điện tử buộc 6 chiếc khác hạ cánh nhờ gây nhiễu kết nối vô tuyến giữa chúng với đài điều khiển.
Việc Nga xuất khẩu các hệ thống gây nhiễu và những tiến bộ trong lĩnh vực chống UAV của nước này có thể đe dọa phi đội máy bay không người lái Mỹ. Năm 2011, Iran từng sử dụng hệ thống Avtobaza do Nga chế tạo để buộc một UAV tàng hình RQ-170 Sentinel của Mỹ hạ cánh trên lãnh thổ nước này. Washington cũng cáo buộc Moskva gây nhiễu UAV trên bầu trời Ukraine năm 2014.
![Chiếc RQ-170 Mỹ bị buộc hạ cánh năm 2011 (trái) và bản sao của Iran. Ảnh: Fars News.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/11/06/RQ-170-1-9207-1541485535.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PgUWuGHKO31YMJ81h-o2dA)
Chiếc RQ-170 Mỹ bị buộc hạ cánh năm 2011 (trái) và bản sao của Iran. Ảnh: Fars News.
Lầu Năm Góc nhận thức rõ rủi ro này. Cơ quan Nghiên cứu Các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển công nghệ phát hiện, xử lý tín hiệu để nhận biết sự can thiệp và gây nhiễu từ bên ngoài, cũng như duy trì liên lạc vô tuyến giữa người điều khiển và UAV ngay cả khi bị gây nhiễu mạnh.
Nỗ lực của DARPA tập trung vào các hệ thống có thể đánh giá tác động từ môi trường gây nhiễu, nhằm liên tục thay đổi tần số và giải mã các dữ liệu bị suy giảm chất lượng do hoạt động tác chiến điện tử của đối phương.
Không quân Mỹ đang nghiên cứu thuật toán cho phép UAV tự xử lý dữ liệu tác chiến và định vị nhằm giảm lượng dữ liệu cần truyền tải qua sóng vô tuyến, qua đó hạn chế nguy cơ bị gây nhiễu. Tháng 9/2018, một chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ đã tự hạ cánh thành công mà không cần tín hiệu điều khiển từ sở chỉ huy.
"Nhờ trang bị cảm biến và phần mềm hiện đại, UAV Mỹ đang dần được tự động hóa. Tuy nhiên, chúng vẫn cần duy trì kết nối cho người điều khiển. Đây là một điểm yếu mà Nga sẽ tiếp tục khai thác triệt để trong tương lai", nhà phân tích David Axe nhận định.
Duy Sơn