Đến hẹn lại lên, mỗi năm trước kỳ thi THPT Quốc gia độ chừng tuần lễ, học sinh và phụ huynh ùn ùn kéo đến Văn Miếu Quốc Tử giám để thắp hương cầu may mắn.
Tôi thấy việc này là bình thường. Ở các nước có truyền thống khoa cử Đông Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đều có việc này. Đây cũng là một cách giải toả áp lực và trợ sức cho tâm lý của sĩ tử.
Năm nay, do tình dịch dịch Covid-19, Văn Miếu vẫn tạm đóng cửa. Nhiều người dân đến dâng hương, dâng lễ phải vái vọng từ bên ngoài. Tuy nhiên, có một việc đã lặp đi lặp lại và nay vẫn diễn ra đó là nhiều sĩ tử, phụ huynh dâng lễ và xì xụp khấp vái bia hạ mã. Nhìn những hình ảnh này, tôi vừa thấy buồn cười, vừa thương cho các em học sinh của chúng ta.
Hạ Mã, dịch nôm na ra nghĩa là xuống ngựa. Nguyên ngày xưa, tấm bia đá đề chữ "hạ mã" để trước dinh thự những quan to hoặc miếu đền linh thiêng cho người qua đường biết mà xuống ngựa, tỏ ý kính sợ. Ngày nay, một dạng khác của nó hay để ở cổng các cơ quan, trường học đó là "Xuống xe, tắt máy, dẫn bộ".
Vì thế, sự buồn cười của việc dâng hương hoa, vái lạy bia "xuống ngựa" chẳng khác gì thần thánh hoá, linh thiêng hoá tấm biển "Xuống xe, tắt máy, dẫn bộ" cả.
Có một số việc đáng bàn từ câu chuyện này.
Thứ nhất, lẽ ra sự vái lạy bia Hạ mã vốn là chuyện bất thường, cần phải chấn chỉnh ngay, thì nó lại trở nên bình thường suốt bao năm qua. Điều này nói lên sự hời hợt của nhiều người Việt. Thấy đầu rùa chở bia đá tiến sĩ thì sờ cho nhẵn bóng, thấy tấm bia có chữ Hán (dù không biết đọc, không biết viết gì) thì vẫn xì xụp vái...để cầu may mắn. Hành động theo tập thể cảm tính và không tìm hiểu rõ ngọn ngành đầu đuôi.
Thứ hai, trong thời gian dịch bệnh, dù đã nới lỏng giãn cách nhưng lẽ ra cần ở nhà, tránh tụ tập đông người (vì ngộ nhỡ có một ca F0 trong đám đông thì sao?) thì lại kéo nhau đi khấn vái, cầu may mắn. Nếu học hành chăm chỉ, cẩn thận thì muốn xin trợ lực tâm linh thì làm lễ ở nhà, miễn thành tâm là được. Cần gì phải kéo nhau ra Văn Miếu, trong khi nơi này đang đóng cửa phòng dịch?
Thứ ba, dù nói nhiều đến khai phóng, nhưng nền giáo dục của chúng ta vẫn còn nặng tính khoa cử. Chúng ta chưa đặt nặng việc học hành, nghiên cứu là để mở mang đầu óc, tích luỹ kiến thức mà rốt cuộc học là để thi. Tâm lý này xuất hiện ở cả những người làm giáo dục, giáo viên, phụ huynh chứ không riêng học sinh.
Rồi có lẽ năm sau, những tấm bia hạ mã vẫn có người đến thắp hương, khấn vái. Và một lứa sĩ tử khác lại ồ ạt bước vào mùa thi.
Phan Vĩnh
>>Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây