Là một thương nhân chính hiệu, Thành đứa bạn thân của tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống kinh doanh tại quận 5 (TP HCM).
Bạn thường hay đi tìm kiếm nguồn hàng từ khắp cả nước, đôi khi là lặn lội từ Quảng Đông, Phúc Kiến rồi qua các chợ lớn ở Thái Lan và Campuchia tìm những mặt hàng lạ để mang về bán lại cho thị trường trong nước.
Còn tôi thì mở một công ty nho nhỏ chuyên bán về các sản phẩm đóng gói cho các xưởng sản xuất nhỏ trong khu vực và cũng là bạn hàng của người bạn này.
Một buổi sáng thứ năm, tháng giêng đẹp trời, tôi và bạn hẹn nhau ra một quán cà phê cóc để đàm đạo và nói chuyện phím với nhau.
Thành vừa ngồi vừa lước thông tin thì đọc được một bài báo nói về một số sản phẩm Tết có giá trên trời, tôi nói: "Phí phạm, tiền đó cho người nghèo hay làm việc khác tốt hơn. Bỏ gần gần 800 nghìn mua cặp dưa hấu này cho tui cũng không thèm ăn".
Thành nghe tôi nói vậy thì cười và hỏi lại: "Ông có vẻ khó chịu nhỉ, tui thấy cũng bình thường mà, có người cần thì có người bán thôi. Thế nếu ông là người bán thì ông có thích bán như thế không?".
Nghe vậy, tôi cũng ậm ừ và suy nghĩ: "Ừ nhỉ, mình bán cho khách giá đó và họ vẫn muốn mua thì giao dịch tốt đẹp mà".
Nhưng trong lòng vẫn khá bảo thủ, tôi nói lại: "Ừ thì buôn bán lời ai mà chả thích. Nhưng mà tui thấy vẫn phí, thà mua quả dưa hấu bình thường ăn, còn tiền đó dùng vào việc khác hay cho từ thiện thấy hợp lý hơn".
Cảm thấy tôi có vẻ nghiêm túc, Thành hỏi lại: "Thế bỏ ra 800 nghìn mua quả dưa hấu, thế 800 nghìn nó có mất đi đâu không mà phí hả ông? Cho dù ông mua hay ông bán cái gì thì tiền nó vẫn nằm đó, chứ nó có mất đi đâu không? Có điều nó đi từ người này sang người kia thôi".
Thấy tôi trầm tư, Thành cũng đập nhẹ vai tôi và cười: "Thật ra, tiền ông bỏ ra ông mua một thứ gì đó thì tiền đó sẽ vào tay người khác, họ lại dùng chính số tiền đó để duy trì việc buôn bán kinh doanh của mình thì lại giúp cho nhiều người cũng buôn bán kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau qua lại.
Tiền nó không mất đi thì có gì đâu mà phí, đôi khi người ta còn thích người giàu tiêu nhiều để số tiền đó được lưu thông thì vô số người có công ăn việc làm kèm theo, chứ chả có ai bán cái gì rồi giữ khư khư tiền trong túi mà không bỏ ra để tiếp tục hoạt động kinh doanh cả. Nhà nước thì vẫn có thuế, người dân thì có việc để làm thì vậy thì có gì đâu mà phí?".
Thật vậy, chúng ta thường hay lên án những người tiêu xài hoang phí, những người bỏ ra một số tiền khá lớn để những dịch vụ mà chúng ta cho rằng không cần thiết và phí phạm.
Nhưng nếu suy nghĩ lại thì mục đích của kinh doanh chính là thuận mua vừa bán. Anh cung cấp sản phẩm với mức giá mà tôi cảm thấy chấp nhận và phù hợp với nhu cầu của tôi thì tôi sẽ sẵn sàng chi.
Sau khi ngồi với Thành, hai anh em trao đổi thì tôi mới đút kết lại những cái sau đây:
Việc người giàu bỏ rất nhiều tiền cho các dịch vụ cao cấp, sản phẩm có giá trị cao không phải là lãng phí và phí phạm. Nó chỉ phí phạm khi số tiền đó chiếm quá lớn so với tài sản của họ và có thể tìm kiếm sản phẩm dịch vụ khác có chi phí thấp và thay thế được.
- Về sự lãng phí, được hiểu là việc bỏ tiền ra mua một sản phẩm dịch vụ, nhưng lại không dùng hết và bỏ dở. Ví dụ: người giàu bỏ gần 500 nghìn mua một kg cherry và ăn hết, nhưng người nghèo bỏ 15 nghìn mua một kg chuối và chỉ ăn được hai quả và bỏ cả nải chuối vì không ăn hết thì người nghèo mới chính là người lãng phí, còn người giàu lại được xem là người không lãng phí, sử dụng tiền hiệu quả.
Vậy, tôi và Thành có những đúng kết sau:
- Việc sử dụng tiền của mình cho mục đích nào đó của mỗi người làm sao để không lãng phí và phí phạm là không giống nhau.
- Việt Nam là một đất nước trong giai đoạn đang phát triển. Chính vì vậy việc kích cầu tiêu dùng để phát triển đất nước là điều cần thiết. Nhưng mỗi cá nhân phải học cách chi tiêu làm sao nó thực sự phù hợp với ngân sách, thu nhập của bản thân mình.
- Quản lý tài chính nên là một môn học dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là học sinh. Qua đó cho các em thấy được việc nỗ lực làm việc, chăm chỉ tiết kiệm, sử dụng tiền bạc hợp lí nó quan trọng tới cỡ nào.
- Hiện nay, giới trẻ đang bị ảo tưởng về những hình ảnh còn trẻ nhưng thành công, có nhà, có ôtô và sử dụng những dịch vụ VIP hay cao cấp. Chính vì vậy rất nhiều bạn trẻ đã chi tiêu quá tay, sử dụng các dịch vụ tín dụng tiêu xài cá nhân như thẻ, vay tín chấp vượt quá thu nhập dẫn tới tình trạng nợ nần.
Một người thu nhập 30 triệu bỏ ra 15 triệu để trả tiền vay mua nhà, ăn uống phù hợp thì vẫn sáng suốt hơn người thu nhập 40-50 triệu, nhưng lại ăn tiêu, mua sắm để cuối cùng không còn đồng bạc nào trong người.
Qua đây, tôi cũng muốn chia sẻ cho mọi người và bạn đọc về góc nhìn của sự phí phạm và lãng phí.
Victor Vũ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.