![]() |
Thủ tướng Kasyanov và Chủ tịch Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh, ngày 23/8. |
Về mặt kinh tế, thương mại giữa 2 nước trong 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,5 tỷ USD. Trong số này, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga chiếm 1,3 tỷ USD. Phía Nga cũng duy trì được mức thặng dư khá.
Trong cuộc gặp gỡ với người đồng nhiệm Nga Mikhail Kasyanov ngày 22/8 ở Thượng Hải, Thủ tướng Chu Dung Cơ nhận xét rằng quan hệ buôn bán đã đưa Bắc Kinh và Matxcơva xích lại gần nhau hơn. Chỉ riêng lượng dầu thô mà Trung Quốc mua của Nga có thể giúp tổng giá trị thương mại tăng thêm 7 tỷ USD/năm.
Ngày 12/8, Grigory Pollschuck, nhân vật đứng thứ hai ở Cơ quan vũ trụ Nga, thông báo Nga và Trung Quốc đã hoàn tất bản kế hoạch về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ đến năm 2005. Riêng 6 tháng đầu năm nay, có tổng cộng 21 hợp đồng công nghệ cao trị giá 20,8 triệu USD đã được ký giữa các công ty Nga và Trung Quốc (so với con số 11,7 triệu USD năm 2001).
Tuy nhiên, thứ mà Matxcơva quan tâm hơn cả chính là thị trường vũ khí đầy tiềm năng của quốc gia láng giềng. Ngày 19/8, 10 máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKK được chuyển từ xí nghiệp Komsomolsk-on-Amur tới căn cứ không quân Uhu của Trung Quốc. Đây là một phần trong hợp đồng sản xuất 28 chiếc Sukhoi. Ngoài ra, Nga còn cung cấp 2 tàu khu trục hạng Sovremenny trị giá 1,4 tỷ USD. Matxcơva và Bắc Kinh cũng thảo ra kế hoạch diễn tập quân sự chung.
Cạnh tranh khốc liệt
Điều thú vị là thị trường Trung Quốc béo bở đã dẫn tới những cuộc tranh giành một mất một còn giữa các nhà sản xuất Nga. Người ta lôi nhau ra cả tòa, cáo buộc nhau tham nhũng.
Tiêu biểu nhất là sự kiện Thủ tướng Kasyanov đảo ngược một quyết định trước đó. Thay vì giao hợp đồng 1,5 tỷ USD (sản xuất 38 chiếc Su-30MKK) vào tay xí nghiệp Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) như đã hẹn, ông lại chuyển cho tập đoàn AVPK Sukhoi. Náo loạn lập tức nổ ra. Tỉnh trưởng vùng Khabarovsk Viktor Ishayev nói rằng việc này có thể gây ra thất nghiệp hàng loạt ở thành phố Komsomolsk-on-Amur và tuyên bố sẽ vận động Tổng thống Vladimir Putin để giành lại hợp đồng cho KnAAPO.
Hồi tháng 7 đã xảy ra một việc chưa từng có đối với một công ty quốc doanh. KnAAPO kiện chính phủ Nga về quyết định nói trên. Ngày 4/8, Toà án Trọng tài Tối cao tổ chức phiên xử kín nhưng không đưa ra được phán quyết nào hết. Không rõ vụ tranh cãi xung quanh KnAAPO có ảnh hưởng đến việc chuyển giao Su-30MKK, và tên lửa AA-12 (lắp trên Su-27 và Su-30) hay không.
Trong khi đó, hợp đồng 2 tàu khu trục lớp Sovremenny cũng sa vào bê bối. Thỏa thuận này, được biết đến dưới cái tên “Dự án 956E” ở Nga, đạt được tại Matxcơva hồi tháng giêng năm ngoái. Chính phủ ban đầu chỉ định xí nghiệp Cầu tàu Bắc ở St Petersburg (Cầu tàu Bắc từng lắp 2 tàu khu trục cho hải quân Nga và cung cấp 2 tàu khu trục cho Trung Quốc hồi tháng 12/1999 và 11/2000). Sau khi Bắc Kinh chuyển 610 triệu USD cho Cầu tàu Bắc, các nghị sĩ Nga đột nhiên tuyên bố hãng này chưa đóng 300 triệu USD tiền thuế. Kết quả, một ban phụ trách đấu thầu trong chính phủ đề nghị xí nghiệp Cầu tàu Baltiysky hoàn tất nốt hợp đồng.
Tuy nhiên, sau đó chính phủ chuyển lại hợp đồng cho Cầu tàu Bắc. Bất bình, Cầu tàu Baltiysky gửi một bức thư tới Thủ tướng Kasyanov, dọa không cung cấp các bộ phận máy móc (chả là Cầu tàu Baltiysky đóng góp rất nhiều cho dự án 956). Chính phủ đáp lại: Họ không chấp nhận tối hậu thư từ phía Baltiysky. Vụ này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Những vướng mắc nho nhỏ
Tình bạn giữa Nga và Trung Quốc cũng không kém phần lý thú. Hồi tháng 7/2001, hai quốc gia này cam kết sẽ thiết lập một “quan hệ chiến lược”. Tổng thống Putin và Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ký kết Hiệp ước hợp tác và hữu nghị láng giềng, có hiệu lực cho đến năm 2021. Hiệp ước chỉ rõ hai nước không thành lập một liên minh quân sự, và “hợp tác quân sự kỹ thuật sẽ không nhằm vào các nước thứ 3”. Nga công nhận “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc” và phản đối “bất cứ hình thức độc lập nào cho Đài Loan”.
Tuy nhiên, trong khi Nga bán Sukhoi cho Trung Quốc, họ cũng tiếp tục chuyển giao máy bay chiến đấu Su-30MKI loại mới nhất cho Ấn Độ (một nước từ lâu có xích mích với Bắc Kinh) - 10 chiếc trong năm nay và 20 chiếc sẽ được chuyển vào năm sau. Sukhoi-30 MKI (máy bay đa chức năng cho Ấn Độ) tương đương với loại Su-37 đang được không lực Nga nghiên cứu và có ưu thế hơn loại Sukhoi-30 MKK (máy bay đa chức năng cho Trung Quốc).
Ngoài ra, còn những trục trặc nho nhỏ khác, bao gồm cả bất đồng xung quanh vấn đề thuế và những lời cáo buộc gián điệp. Hồi đầu tháng, các quan chức thành phố cảng Nakhodka (vùng Primorie, Nga) thông báo kế hoạch đóng cửa khoảng 100 trong số 125 công ty do các doanh nhân Trung Quốc sở hữu. Sergei Piliyugin, trưởng thanh tra thuế ở Nakhodka, cho biết các công ty này đã trốn thuế. Còn Vladimir Schurov, giáo sư Viện Hải dương học Viễn Đông, hiện đang bị kiện vì định bán công nghệ liên quan đến hệ thống định vị dưới nước cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, những chuyện này cho đến nay hầu như không làm tổn hại đến quan hệ Nga-Trung. Kremlin tìm mọi cách để duy trì tình hữu hảo với Bắc Kinh. Mới đây, Nga từ chối cấp visa cho Đà Lai Lạt Ma. Lẽ ra, lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng tới nước này ngày 2/9 và thăm các vùng theo đạo Phật ở Nga là Buryatia, Kalmykia và Tuva. Một số Phật tử đã biểu tình ngoài văn phòng Bộ Ngoại giao Nga ở Matxcơva. Các nhà lãnh đạo trong cộng đồng Phật giáo còn gửi một bức thư ngỏ đến Tổng thống Putin. Tuy nhiên, Điện Kremlin giữ nguyên quyết định, với lý do chuyện này có thể dẫn đến “hậu quả chính trị” (Năm 2001, Matxcơva cũng từ chối cấp visa quá cảnh để Đà Lai Lạt Ma qua Nga tới Mông Cổ).
Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Igor Ivanov tới Hong Kong và Makau nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế và thương mại. Sau đó, ông gặp người đồng nhiệm Đường Gia Triền, bên lề cuộc họp của khối ASEAN. Ông miêu tả quan hệ 2 nước là “sống còn” và chuyến đi tới Trung Quốc mở đầu “một giai đoạn mới hợp tác song phương lâu dài và trên mọi lĩnh vực”.
Cuối năm nay, Tổng thống Putin sẽ tới thăm Bắc Kinh. Chắc chắn ông sẽ làm một bài phát biểu xung quanh chủ đề thắt chặt quan hệ và biết đâu chừng, thêm một vài thỏa thuận mua bán vũ khí.
Minh Châu (theo Asia Times)