15 năm trước, tôi từng tranh luận kịch liệt về việc làm thế nào để phát triển ngành xe hơi ở Việt Nam. Cuối cùng tôi kết luận, muốn phát triển ngành xe hơi mục tiêu trên hết phải là tạo việc làm cho người lao động, từ từ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tiến tới người lao động được nâng cao thu nhập tự tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.
Để tiến tới mục tiêu này, công cụ sử dụng là thuế. Mọi chi phí do bàn tay người làm ra liên quan đến xe hơi phải được miễn thuế, còn lại đánh thuế 100% bất kể nhập ngoại dưới hình thức nào. Theo tính toán của tôi, chỉ cần tỷ lệ nội địa hóa đạt 35% (đồng nghĩa với giảm 35% thuế) thì các hãng sản xuất linh kiện phụ trợ sẽ nhảy vào. Ban đầu các loại linh kiện sẽ được nước ngoài gia công chế tạo tại Việt Nam với nhân lực cấp cao là người nước ngoài. Sau đó các hãng này sẽ trở thành chi nhánh nhỏ với người quản lý cao nhất là người của hãng mẹ, toàn bộ nhân viên đều là người bản địa. Có tự làm ra linh kiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp thì mới học hỏi được. Cuối cùng mới có người tự lập doanh nghiệp chế tạo linh kiện để cạnh tranh. Từ đó mới tạo ra được chiếc xe hơi với tỷ lệ nội địa hóa không thấp hơn 70%.
Ngoài việc giảm thuế còn phải có lộ trình nội địa hóa. Cứ mỗi năm năm, tỷ lệ này phải tăng tối thiểu 15%. Hãng nào không đạt có thể tìm thị trường khác. Từ từ, Việt Nam sẽ chỉ còn vài hãng bán xe trên thị trường mà không phải nhiều đến "hoa cả mắt" như bây giờ.
15 năm qua, chúng ta chỉ xem các hãng xe lắp ráp ở Việt Nam như những doanh nghiệp FDI thông thường với mức thuế ưu đãi cố định, không khuyến khích họ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngán ngẩm với cách làm này, họ chuyển sản xuất qua Thái Lan và Indonesia. Với những hãng danh tiếng như Toyota, Mercedes, họ muốn ta làm ra con xe cỏ hạng A, B có tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng mang thương hiệu của họ. Khi thu nhập của người dân với tới phân khúc C (cũng là phân khúc phổ thông ở các nước phát triển) thì họ mới chính thức mang hàng vào bán ở Việt Nam (thiết kế ở hãng mẹ, chế tạo tại Việt Nam). Với ta, cho dù làm được xe hạng A, B nhưng muốn tạo ra xe hạng C phải trải qua quá trình nghiên cứu khá dài mới theo kịp được.
Muốn xây dựng một ngành công nghiệp bất kỳ, phải có chính sách dài hạn (tối thiểu là 30 năm) chính sách này thường được gọi là "chiến lược phát triển". Chúng ta chẳng có chính sách nào như thế. Cứ mỗi thế hệ lãnh đạo mới lên lại hủy bỏ chính sách của người tiền nhiệm, chính sách thay đổi xoành xoạch theo nhiệm kỳ thì mấy cái "chiến lược" gì đó làm sao có điều kiện mà tồn tại.
Độc giả Lâm