Đọc bài viết "Công nghiệp ôtô - liên doanh thất bại, người Việt làm lại" tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này. Theo tôi, các nhà đầu tư nước ngoài thì không mặn mà với ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, trong nước vài doanh nghiệp đầu tư manh mún rồi chết yểu. Vì sao?
Để có được một sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, giá cả hợp lý, cạnh tranh với các nước trong khu vực thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, bắt buộc phải đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ, đặc biệt là khuôn mẫu - tất cả không hề rẻ. Khi có được đầy đủ các yếu tố sẽ cho ra mỗi ngày từ vài nghìn đến vài chục nghìn sản phẩm. Nhưng bán cho ai - bán đi đâu?
Nhìn toàn cảnh Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu xe, trong đó đủ các loại xe của đa quốc gia, đa chủng loại, mỗi loại lại vài mẫu. Bởi vậy chia ra theo thị phần theo mỗi dòng xe thì chiếm thị phần quá nhỏ.
Những nhà đầu tư nhắm vào đâu? Trong nước có trên dưới 200 doanh nghiệp lắp ráp ôtô hoặc linh kiện, phụ tùng thì được mấy doanh nghiệp như VinFast, Thaco, Thành Công, có khả năng lắp được vài chục nghìn xe một năm? Bao nhiêu loại xe, bao nhiêu mẫu còn lại? Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ lắp được vài nghìn xe thậm chí vài trăm xe mỗi loại mỗi năm.
Trông vào xuất khẩu cũng rất khó vì để sản xuất được chi tiết, sản phẩm đạt chuẩn chất lượng thì hầu hết nguyên vật liệu phải nhập khẩu mất thời gian, cước vận chuyển, thuế nhập khẩu, rất nhiều chi phí phát sinh nên mặt bằng giá của ta cao hơn các nước trong khu vực khó cạnh tranh.
Bán trong nước trừ một số chi tiết thay theo định kỳ và km chạy còn lại đa số rất ít khi phải thay. Có những chi tiết cả đời xe không hỏng trừ trường hợp bị tai nạn.
Như tôi là chủ một doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, về ưu đãi hầu như chẳng có gì. Dây chuyền tự động phải tháo bỏ phần tự động, chạy bán thủ công vì để chạy được tự động tất cả nguyên vật liệu đều phải đạt chuẩn. Nguyên liệu đạt chuẩn chạy tự động mỗi ngày ra vài nghìn đến chục nghìn sản phẩm cho một loại mẫu, bán đến bao giờ hết. Một ngày cứ phải thay thế nhiều loại khuôn để ra các mẫu phẩm khác nhau rất mất thời gian, kém hiệu quả, giá thành cao, khó cạnh tranh.
Để cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, theo tôi chính phủ phải điều tiết có các chế tài, các tiêu trí cho các nhà lắp ráp, ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ không nói chung chung.
Độc giả Phạm Vũ Đức