Việc sa thải Solskjaer là hoàn toàn đích đáng và nhận được sự đồng thuận gần như tối đa của CĐV Man Utd và truyền thông Anh, từ giới bình luận viên, phóng viên đến các cựu cầu thủ của họ. Không thể có một kết cục khác cho việc nhận 15 bàn thua trong năm trận gần nhất, gồm thất bại 0-5 trước Liverpool, 0-2 trước Man City, 1-4 trước Watford và lối chơi mờ nhạt hơn ba tháng qua.
Số bàn thua của Man Utd mùa này bằng đúng Liverpool, Man City và Chelsea cộng lại, trong khi hiệu số bàn thắng bại của họ là -1: 20 bàn thắng và 21 bàn thua, đứng trên chỉ hai đội khác của Ngoại hạng Anh là Newcastle (chót bảng) và Norwich City (áp chót). Điều đó rất khó chấp nhận với gã khổng lồ từng 20 lần vô địch nước Anh.
Solskjaer, hơn ai hết, hiểu rõ "tội" của ông. Dù được nhìn nhận là nhà cầm quân mang đậm DNA Quỷ đỏ nhất kể từ Sir Alex Ferguson, ông cũng phải cúi đầu trước những chỉ trích và đã xin các CĐV tha thứ trong lần phỏng vấn cuối cùng với trang chủ CLB.
Solsa không từ chức. Ông nhận đủ số tiền đền bù vì bị sa thải. Nhưng các HLV ngày nay vẫn thường như vậy, khi đó là cái giá cho chuỗi ngày làm việc căng thẳng và chịu áp lực của dư luận - mà riêng Solskjaer, từng phải về Na Uy nghỉ ngơi ít ngày, ngay trước loạt trận các đội tuyển quốc gia.
Nhưng Solskjaer không phải người duy nhất có lỗi, hoặc nói cách khác, chắc gì người thay thế đã tốt hơn? Giới chủ Man Utd không thể trốn trách nhiệm. Trong một cuộc thăm dò gần đây trên tờ The Athletic (Anh), có đến 94% người được hỏi đã trả lời rằng, họ mất hết niềm tin vào ban lãnh đạo. Họ không dám tin người thế chỗ Solskjaer sẽ vực dậy "Quỷ đỏ".
Một trong những tội đồ là Ed Woodward, người bị bêu riếu trên kênh Red news - một diễn đàn các CĐV Man United - trong một loạt phim hoạt hình có tên: "Con rối của Avram Glazer". Ông được minh hoạ ngồi trên đầu gối của Glazer, với câu thoại: "Thật tuyệt, anh Glazer, khi anh trả lương tôi 4 triệu bảng mỗi năm".
Hồi tháng Tư, ông đã tuyên bố từ chức vào cuối năm. Nhưng nó chưa phải dấu chấm hết cho những sai lầm. Aleksander Ceferin, Chủ tịch UEFA, đã gọi Woodward là "một con rắn độc" khi ông đóng vai trò chủ chốt trong ý tưởng thành lập Super League, thứ mà Woodward sau đó thừa nhận "là một ý tưởng tồi".
Ông vẫn thường "quay xe" như vậy khi làm việc cho Man Utd, khi là người thuê và sa thải bốn HLV trong tám năm thời hậu Alex Ferguson: David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho và Ole Solskjaer. Việc sa thải Ole là bất đắc dĩ khi Woodward không muốn năm cuối kết thúc bằng sự đổ vỡ. Có thể, đó là lý do Solsa "sống sót" sau thảm bại trước Liverpool - trận thua bị coi là nặng nề nhất của Man Utd trong lịch sử derby nước Anh.
Sự chậm trễ của Woodward trái ngược với sự nhanh nhẹn của Tottenham khi bổ nhiệm Antonio Conte. Conte từng là ứng viên số một cho chiếc ghế ở Old Trafford, nhưng sự ngãng ra của giới chủ tạo điều kiện cho Tottenham có một HLV tốt. Tiền góp phần quan trọng nhưng cả ở Man Utd hay Tottenham, Conte đều là sự nâng cấp. Chỉ bốn ngày sau khi Tottenham công bố Conte, Man Utd thua thảm thêm một trận lớn nữa trước Man City.
Trong khoảng thời gian tương tự, Aston Villa tận dụng quãng nghỉ tập trung đội tuyển để chia tay Dean Smith, vì phong độ sa sút. Daniel Farke cũng bị Norwich "xử trảm". Cả hai giành thắng lợi hôm cuối tuần qua dưới triều đại mới. Người ta đôi khi nói về sự thiếu kiên nhẫn của các đội Premier League trước áp lực thành tích, nhưng trong trường hợp của Solsa, đó là sự thiếu quyết đoán.
Lực lượng của Man Utd mùa này hoàn toàn không tệ khi sở hữu những ngôi sao hàng đầu. Nhưng bằng một cách nào đó, khi kết hợp với nhau, họ thiếu cá tính. Giới chuyên môn không thấy họ định hình lối đá. Nó xám xịt như khuôn mặt Solskjaer mỗi cuối tuần. Cầu thủ không đổ lỗi cho nhau, nhưng việc đua nhau... chịu trách nhiệm cho kết quả của đội cho thấy vai trò mờ nhạt của người đứng đầu. Có thể, giới chủ nghĩ những lời khách xáo trên Facebook thể hiện họ vẫn nhìn về một hướng, và họ chần chừ không đưa ra quyết định thay đổi ở thời điểm buộc phải thế. Họ đã tới sân Watford với ảo tưởng về chiến thắng.
Nhưng David De Gea mô tả trận thua 1-4 ấy là "cơn ác mộng". Solskjaer nói đó là "trận tệ nhất mà đội đã chơi". Ông thừa nhận cầu thủ bị áp đảo hoàn toàn. Nhưng, sự ra đi của ông chỉ để trả giá cho những sai lầm cũ, trong khi định hướng mới của đội bóng không được ban lãnh đạo của Woodward nói rõ. Bao giờ thì ông nghỉ? Ai chịu trách nhiệm cho vụ bổ nhiệm tiếp theo? Vai trò của Giám đốc Điều hành Richard Arnold đến đâu? Giới chủ sẽ coi sóc mọi thứ trong khi vẫn sống ở Florida (Mỹ)? Woodward hiếm khi đến sân xem đội nhà đá những trận gần đây, như thể báo hiệu cho sự thoái lui.
Đã đến lúc Man Utd trở lại với bản tính thích cạnh tranh, ưa máu lửa và thử thách. Cái cúi đầu và nụ cười của Solsa chỉ càng làm họ nhớ về một thời mà - dù kết quả không phải lúc nào cũng tốt - họ chưa bao giờ ngừng chiến đấu.
Patrice Evra từng kể về trận cuối cùng của triều đại David Moyes, một thất bại 0-2 trước Everton. Một người nào đó ăn mặc như thần chết đứng sau hàng rào. Ngoài sân, Moyes bị vây bởi những CĐV Merseyside quá khích. Họ ném đá vào cửa kính xe buýt Man Utd, chỗ Moyes ngồi. Ryan Giggs đã đứng bật dậy hét lên: "Những thằng khốn Everton đang chọc tức chúng ta". Ngay hôm sau, những thủ lĩnh Nemanja Vidic, Wayne Rooney, Giggsy, Rio Ferdinand và Michael Carrick được Woodward triệu tập đến văn phòng. Khi đó, Evra nói: "Tôi biết Moyes sẽ bị sa thải".
Nhưng, đó mới là bóng đá. Là Man Utd. Bóng đá là "địa ngục đẫm máu" như tên cuốn tiểu sử đầu tiên về Alex Ferguson. Đêm Camp Nou 1999, khi Ole Solskjaer ghi bàn ngược dòng trước Bayern Munich để mang về chức vô địch Champions League cho "Quỷ đỏ", chính là một đại diện cho tinh thần ấy. Đó không phải là sự do dự, sự khách sáo, sự mơ hồ, thậm chí sự ảo tưởng như những ngày cuối cùng của triều đại Solsa.
Tóm lại, tất cả đều có trách nhiệm cho thất bại của đội bóng trong giai đoạn này. Solsa đã nhận lỗi và ra đi. Còn CĐV Man Utd cần một tinh thần mới ở đội bóng ngay trong trận đấu sắp tới. Đôi khi, họ thích "một trận đánh nhau" như Evra mô tả, hơn là cứ im lặng để rồi chìm nghỉm.
Hiếu Đỗ (theo The Athletic)