"Tôi không thể ngủ được lúc này và không dám nghĩ đến việc giá trị thị trường của Pinduoduo đã cán mốc 185,5 tỷ USD, chỉ kém Alibaba 8 tỷ USD. Pinduoduo đã lặng lẽ đâm nhát dao chí mạng để trở thành người anh lớn", một nhân viên Alibaba viết trên mạng nội bộ của công ty đêm 29/11.
Theo SCMP, đề tài Pinduoduo đã trở thành cuộc thảo luận sôi nổi trong Alibaba, khiến nhà sáng lập Jack Ma cũng không thể ngồi yên. "Rất tốt, tôi đánh giá cao suy nghĩ của cậu. Hãy đưa ra sáng kiến. Tôi nghĩ mọi người ở Alibaba hôm nay đều đang theo dõi và lắng nghe những gì đang diễn ra. Tôi tin Alibaba sẽ thay đổi và thích nghi. Tất cả công ty vĩ đại đều được sinh ra vào mùa đông", Jack Ma viết trong phần bình luận.
Sự tương tác của Jack Ma đã gây sốt trên mạng xã hội. Tóm gọn lại, bối cảnh là một nhân viên của Alibaba thấy vị thế của công ty mình làm việc bị đe dọa và anh quyết định lên tiếng quảng cáo. Jack Ma - người sáng lập Alibaba (nhưng không còn giữ chức vụ gì nữa) quyết định tương tác, mời nhân viên đưa ra sáng kiến.
Nhìn chung, tôi thấy câu chuyện này gợi ra một vấn đề: Quyền lên tiếng, đóng góp của nhân viên và trách nhiệm lắng nghe của các cấp lãnh đạo công ty.
"Công ty giảm lương, nhân viên trăn trở ở lại hay ra đi", "Tăng lương chưa chắc giữ được nhân sự giỏi"... là những chủ đề mà tôi thường thấy trên mạng xã hội. Mới đây, tôi cũng được xem một video clip, một vị doanh nhân đặt vấn đề rằng: Tại sao làm chủ vẫn khổ, vẫn lo lắng cho công ty? Rồi ông đưa ra bí kíp giúp các sếp thảnh thơi: Đẩy hết trách nhiệm, khó khăn cho nhân viên, họ sẽ lo thay bạn (dù lương thấp).
Đầu tiên, ai trong chúng ta đi làm cũng vì tiền lương, phúc lợi nhưng nó không phải là điều duy nhất. Người đi làm sẽ cảm thấy gắn bó, yên tâm khi nhận ra mình thực sự thuộc về một tổ chức, một công ty.
Bạn tôi start-up một công ty cung cấp thực phẩm, trên dưới 20 nhân viên. Sau đại dịch, kinh tế dần khó khăn khiến tiền lời chỉ đủ trả tiền lương cho nhân viên nhưng chưa thấy ai quay lưng với công ty cả. Bạn tôi thì tin rằng sau cơn mưa, trời sẽ sáng, lúc này chưa bỏ tiền túi bù lỗ đã là một sự may mắn.
Có được như vậy là nhờ trong công ty ai cũng bình đẳng, ai cũng có quyền được nói, được lo nỗi lo chung của công ty, được đóng góp ý kiến trong lúc khó khăn. Bạn chia sẻ, nhờ ý tưởng bán thêm giỏ hàng, quà tặng vào các ngày lễ, Tết của một nhân viên bình thường mà công ty có thêm doanh thu, việc làm cho nhân viên.
>> Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Tất nhiên, đó là quy mô công ty nhỏ, chỉ hai chục người nên có thể gắn kết như một gia đình. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, khi công ty có hàng trăm nhân sự, hàng chục phòng ban, nhiều chi nhánh... thì tình thân biến mất, cạnh tranh nội bộ lên ngôi.
Anh chàng nhân viên bình thường trong công ty của bạn tôi liệu sẽ dám đóng góp ý tưởng trong công ty có quy mô hàng trăm, hàng nghìn nhân viên? Sự choáng ngợp, sợ mang tiếng "ra vẻ ta đây" chỉ là một rào cản. Nhưng khi một nhân viên đóng góp ý kiến của mình cho công ty, ai sẽ là người lắng nghe? Trưởng phòng, phó giám đốc, tổng giám đốc hay chủ tịch?
Tôi thấy rất ít các sếp lớn của các công ty ở Việt Nam tương tác với nhân viên. với họ, họp hành, chiến lược đề ra chỉ xoay quanh ban giám đốc, trưởng phòng... Đôi khi, những ý tưởng mới có giá trị nhất lại xuất phát từ những nhân viên bình thường nhất.
KT