Ngày 9/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố chủ nhân giải Nobel Hóa học 2024 với công trình giải mã cấu trúc protein siêu nhỏ. Hai trong ba người đoạt giải là John Jumper, 39 tuổi và Demis Hassabis, 48 tuổi, đều làm trong bộ phận AI Google DeepMind. Trước đó một ngày, Geoffrey Hinton, từng làm việc 10 năm tại Google trước khi rời đi năm ngoái, được trao giải Nobel Vật lý.
Google hiện đối mặt với việc chia tách sau khi Bộ Tư pháp Mỹ gửi đơn lên tòa án, cáo buộc công ty lợi dụng vị thế độc quyền. Theo Reuters, việc sở hữu nhiều dịch vụ hàng đầu giúp hãng thu được lợi nhuận lớn và thu hút nhiều nhân tài hơn, trong đó có lĩnh vực AI.
Google tiên phong về nghiên cứu AI trong rất nhiều năm và cũng hội tụ nhiều nhân tài trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, họ không thương mại hóa những nghiên cứu về AI tạo sinh cho đến khi OpenAI tung ra ChatGPT cuối năm 2022 và đẩy Google vào thế bị động. Thực tế, chữ "T" trong tên ChatGPT là viết tắt của "Transformer", một công nghệ dành cho các mô hình ngôn ngữ lớn do phòng thí nghiệm của Google tạo ra và được cấp bằng sáng chế năm 2019.
Các chuyên gia đánh giá cơn sốt AI dường như đang tác động đến giải Nobel. Theo giáo sư Dame Wendy Hall, nhà khoa học máy tính và cố vấn về AI cho Liên Hợp Quốc, công trình của những người nhận giải hoàn toàn xứng đáng và đáng được công nhận, nhưng việc thiếu một giải Nobel dành cho toán học hoặc khoa học máy tính đã làm sai lệch kết quả.
"Ủy ban Nobel không muốn bỏ lỡ xu hướng AI, vì thế họ rất sáng tạo khi để Geoffrey đoạt giải thông qua con đường vật lý", bà Hall nói với Reuters. "Tôi cho rằng ông ấy xứng đáng với một giải Nobel dựa trên những mặt khoa học đã cống hiến. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có giải thưởng hợp lý".
Noah Giansiracusa, giáo sư toán tại Đại học Bentley và tác giả của cuốn sách How Algorithms Create and Prevent Fake News, có quan điểm tương tự: "Những gì ông ấy làm thật phi thường, nhưng đó có phải vật lý không? Tôi không nghĩ vậy. Ngay cả khi có nguồn cảm hứng từ vật lý, ông ấy không phát triển một lý thuyết mới trong vật lý hay giải quyết một vấn đề lâu dài trong vật lý".
Những chuyên gia khác đánh giá kỷ nguyên AI đã bắt đầu và đang làm lu mờ ranh giới khoa học, nhất là khi công nghệ này được đào sâu. "Đây có thể là khoảnh khắc 'trí tuệ nhân tạo trong khoa học', khi AI đang tác động sâu rộng và đóng góp cho nhiều lĩnh vực khác", Eleanor Drage, nhà nghiên cứu của Trung tâm Trí tuệ Tương lai Leverhulme thuộc Đại học Cambridge, nói với Wired.
Theo Drage, hai lý do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel cho những người có thành tựu về AI, đó là AI đang có sức lan tỏa rất lớn trong nghiên cứu học thuật khiến ranh giới các lĩnh vực bị lu mờ; và "đang có sự ngưỡng mộ các nhà khoa học máy tính đến mức họ được phân loại vào bất kỳ lĩnh vực nào".
Đối với một số chuyên gia, giải Nobel năm nay cũng cho thấy mức độ khó khăn trong việc cạnh tranh của giới học thuật truyền thống."Rất nhiều công ty công nghệ lớn không hướng đến bước đột phá tiếp theo về học sâu, mà kiếm tiền bằng cách thúc đẩy chatbot hoặc đưa quảng cáo lên khắp Internet", Giansiracusa nói. "Có một số sáng kiến, nhưng phần lớn không phải khoa học".
Bảo Lâm
- Chủ nhân giải Nobel tự hào khi học trò sa thải CEO OpenAI
- Google chi gần ba tỷ USD để lôi kéo 'thiên tài AI'