Tiền lương là một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, hợp đồng lao động được ký giữa người lao động và người sử dụng lao động phải thỏa thuận rõ mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Khi có sự thay đổi về tiền lương thì hợp đồng lao động cũ cần phải được điều chỉnh lại một phần nội dung. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động phải tuân thủ quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2019. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động sẽ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Thực tế, mặc dù mục đích của quyết định tăng lương, phụ lục hợp đồng và hợp đồng lao động đều nhằm điều chỉnh tiền lương cho người lao động, nhưng các giấy tờ này lại khác nhau về tính chất ràng buộc.
Cụ thể, quyết định tăng lương do người sử dụng lao động đơn phương ban hành với một mình chữ ký của người sử dụng mà không có sự thỏa thuận, ràng buộc giữa các bên. Còn phụ lục hợp đồng hoặc hợp đồng lao động mới, các nội dung trong văn bản đều phải được người lao động và người sử dụng lao động thống nhất trước. Khi đặt bút ký tức là hai bên đã đạt được sự đồng thuận và có giá trị pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
Như vậy, khi tăng lương cho người lao động, người sử dụng lao động không thể thay thế bằng quyết định tăng lương, mà phải ký phụ lục hợp đồng hoặc hợp đồng lao động mới.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty luật TNHH MTV Ta Pha