Ra mắt giữa tháng 6, đĩa Trọn một kiếp yêu tiếp nối chuỗi dự án của Đức Tuấn về các nhạc sĩ lớn - sau Phạm Duy, Phú Quang, Trần Thiện Thanh... Album gồm 10 bài, hầu hết gắn bó với nhiều giọng ca tên tuổi, đi vào lòng các thế hệ khán giả. Bài toán lớn được đặt ra cho ca sĩ và êkíp là làm sao đổi mới các ca khúc quen, song vẫn giữ được chất trữ tình đặc trưng của âm nhạc Lam Phương.
Qua bàn tay phối khí của Đức Trí, các bài hát cũ mang màu sắc mới nhờ dàn nhạc dây. Với Thành phố buồn, người nghe khó nhận ra ca khúc bolero kinh điển từng nổi tiếng qua chất giọng Chế Linh. Khác cách phối đậm chất slow-rock của nhiều bản thu trước, nhạc sĩ sử dụng một dàn giao hưởng cỡ nhỏ tạo màu sắc cổ điển mà không quá nặng về tính thính phòng cho ca khúc.
Sau đoạn dạo đầu với piano và phần hợp tấu violin, Đức Tuấn cất giọng. Bản thu dìu người nghe vào không gian của một nhà thờ Công giáo: "Quỳ bên nhau trong góc giáo đường/ Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương...". Nếu Chế Linh đóng đinh nhạc phẩm với lối hát phóng khoáng, tự sự, cách thể hiện của Đức Tuấn chú trọng hơn về thanh nhạc qua kỹ thuật ngân rung (vibrato), bỏ nhỏ...
Trong Một mình - một trong những bản hit gần nhất của Lam Phương, anh tiếp tục hát trên nền hòa tấu của dàn nhạc dây. Với câu "Sớm trưa khuya tối, nhìn quanh một mình...", anh ngắt thành từng chữ để diễn tả nỗi cô đơn của con người trước vòng lặp mỗi ngày, mỗi mùa, mỗi năm trong đời. Với Tình bơ vơ, Đức Tuấn tiết chế hơn về nhạc điệu bằng một bản phối theo kiểu acapella (hát không nhạc đệm). Tiếng hát của anh được dàn hợp xướng Saigon Choir phụ họa với lối chia câu, hòa giọng rõ nét.
Đức Tuấn còn thay đổi lối hát cũ trong nhiều bài kinh điển. Duyên kiếp là nhạc phẩm nổi tiếng với lối hát chậm rãi, phù hợp với cặp giọng nam - nữ trong bolero. Khi song ca, Ngọc Khuê và Đức Tuấn thể hiện với tiết tấu nhanh. Bản phối cũng được làm mới với âm hưởng dân ca Bắc bộ. Cách hát lả lướt của Ngọc Khuê - vốn thành công với dòng dân gian đương đại - khiến bài hát mang màu sắc giao duyên ở các làng quan họ. Với Khúc ca ngày mùa - thường mang lối phát âm miền Bắc, anh lại hát bằng giọng miền Nam. Ca sĩ lý giải, Lam Phương quê ở Kiên Giang, do đó anh muốn thay đổi so với các bản thu thập niên 1960-1970.
Với Cho em quên tuổi ngọc, anh song ca cùng Hồng Nhung. Ở phần hát riêng, mỗi ca sĩ có điểm đặc sắc, nhưng khi hòa giọng, đôi bên lại rời rạc, chưa thật hòa quyện. Đa phần khán giả yêu ca khúc này vốn đã quen với bản đơn ca được viết riêng cho Bạch Yến, hay sau này là Khánh Hà, Ngọc Lan, Hà Trần...
Ở album mới, Đức Tuấn có sự tiết chế về cách hát. Anh bớt nhấn nhá như trong các CD trước của Phạm Duy, hay gần đây là Trần Thiện Thanh với Hoa trinh nữ. Đức Tuấn kể mất thời gian dài thuyết phục Đức Trí làm đĩa cho mình vì nhạc sĩ sợ giọng anh không hợp hát nhạc Lam Phương. Ca sĩ phải đến nhà Đức Trí thử giọng nhiều lần mới được anh đồng ý. Sau khi album hoàn thành, Đức Trí nói với Đức Tuấn: "Em chuẩn bị tinh thần nghe khán giả chỉ trích nhé".
Đĩa nhạc nhận nhiều phản hồi trái chiều. Một số người nghe đánh giá ca sĩ không hợp hát nhạc Lam Phương. Trên VnExpress, độc giả Hồng Hà viết: "Đức Tuấn chưa thể hiện được nỗi niềm khắc khoải trong nhạc Lam Phương vì an toàn, không có nhiều màu sắc trong chất giọng". Huỳnh Ngọc Huynh nhận xét: "Đức Tuấn hát giọng cao rất tốt nhưng nhạc Lam Phương cần những giọng nhẹ, lãng tử, nội tâm". Còn nhà thơ - nhà báo Nguyễn Phong Việt đánh giá ca sĩ hát "lành" hơn, bớt điệu so với nhiều album cũ. Anh tâm đắc với bản Một mình. Với nhà thơ, cách Đức Tuấn hát có sự bình an, thanh thản, lược bỏ niềm chua xót mà khán giả thế hệ trước cảm thấy qua nhạc phẩm.
Sau một tuần phát hành, toàn bộ 1.000 CD trong lần in đầu được bán hết. Êkíp Đức Tuấn cho biết đang in thêm 1.000 bản.
Đức Tuấn sinh năm 1980, từng đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP HCM năm 2000 khi theo học Ngoại thương. Các album từng phát hành của Đức Tuấn gồm: Tiếng hát Trương Chi, Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy, Trẻ mãi, Music of the Night... Năm 2010, anh đoạt hai giải Cống hiến ở hạng mục Ca sĩ của năm và Album của năm. Từ năm 2017, anh liên tục ra album nhạc Trần Lê Quỳnh - 36, Phú Quang, Trần Thiện Thanh.
Mai Nhật