Sáng 19/3, gia đình cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ca sĩ Đức Tuấn có buổi gặp gỡ tại TP HCM. Sự kiện có sự góp mặt của nhạc sĩ Trần Thiện Anh Châu (con trai út của cố tác giả với người vợ đầu) - hiện sống tại Việt Nam. Ca sĩ Thanh Trúc (con gái thứ hai, định cư ở Mỹ) cũng tham gia qua mạng Skype. Bản thu Hoa trinh nữ của Đức Tuấn gần đây bị ca sĩ Mỹ Lan - người tình cuối đời của Trần Thiện Thanh - chê tự ý sửa lời, thiếu nghiên cứu kỹ về tác phẩm. Tuy nhiên, hai người con của cố nhạc sĩ có quan điểm ngược lại.
Nhạc sĩ Anh Châu cho rằng việc Đức Tuấn hát lời "khách phong trần" - thay vì "lính phong trần" như một số bản thu - là hoàn toàn phù hợp. Ông kể bản nhạc ra đời vào năm 1963. Từ đó đến năm 1975, ca khúc có phần lời là "lính phong trần/ lính xa nhà". Sau năm 1975, nhạc Trần Thiện Thanh có thời gian bị kiểm soát chặt chẽ. Đến năm 1987, Trần Thiện Thanh được Sở Văn hóa TP HCM cấp phép biểu diễn, nhạc ông mới dần phổ biến hơn. Lúc này, ông có thu âm phần lời là "khách phong trần".
Nhạc sĩ Anh Châu lý giải, Trần Thiện Thanh sửa lời bài hát không phải để tránh việc bị kiểm soát, mà là thể hiện cảm xúc của ông lúc đó như một lãng tử phiêu bạt. "Sau này, tôi sinh đứa con thứ hai. Từ Mỹ, ông gọi về đặt tên cháu nội là Trần Thiện Châu Lữ. Từ "lữ" mang hàm ý của một lữ khách xa quê. Tôi nghĩ hình ảnh một người khách phong trần đã là cảm hứng của ông từ rất lâu, hoàn toàn không mang tính khiên cưỡng", người con cho biết.
Ca sĩ Thanh Trúc cũng khẳng định Hoa trinh nữ có nhiều dị bản nên phần lời của Đức Tuấn không sai. Khi gia đình Trần Thiện Thanh ủy quyền cho trung tâm băng nhạc Làng Văn ở hải ngoại để quản lý tác quyền ca khúc, họ không có văn bản chuẩn mực về lời, chỉ có số lượng và tên bài hát. Tuy nhiên, gia đình Trần Thiện Thanh cho biết ca sĩ có thể tìm tòi, đối chiếu với các bản thu trước đó để có được phần lời chính xác - như Đức Tuấn đã làm.
Ca sĩ Thanh Trúc cho biết, cha chị vốn viết nhiều thể loại, bao gồm bolero, rock, thậm chí rap. Do nhiều ca sĩ tưởng ông chuyên viết bolero, khi khai thác lại, họ chỉ ghi âm theo thể loại này, phần nào khiến nhạc Trần Thiện Thanh bớt đi tính phong phú. Theo chị, với album mới, Đức Tuấn có sự đầu tư về bản phối mới mẻ, cách hát tròn vành rõ chữ. "Như ở bài Chiếc áo bà ba - song ca với Hương Lan, tôi đánh giá đây là bản thu rất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét dân ca Nam bộ của bản gốc do nữ danh ca hát", con gái nhạc sĩ chia sẻ.
Con trai và con gái Trần Thiện Thanh khẳng định bản quyền các ca khúc của ông do năm người con nắm giữ, dựa vào ký kết với trung tâm băng nhạc Làng Văn năm 2014. Trần Thiện Thanh từng lấy người vợ đầu - bà Trần Thị Liên và sinh ra bốn người, trong đó ca sĩ Trần Thiện Anh Chương đã mất. Khi kết hôn lần hai với ca sĩ Kim Dung, ông có thêm người con thứ năm - Anh Chính. Sau này, ông gắn bó với ca sĩ Mỹ Lan - người được xem như vợ cuối đời của ông. Tuy nhiên, gia đình cố nhạc sĩ cho biết chưa rõ liệu hai người có hôn thú không.
Gia đình Trần Thiện Thanh dự định tổ chức đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của ông (ngày 13/5) tại TP HCM. Các con ông cũng sẽ công bố thêm những tác phẩm chưa được biết đến của nhạc sĩ ngoài 400 ca khúc hiện tại, do sinh thời ông viết với nhiều bút danh.
Trần Thiện Thanh sinh năm 1942. Ông thường sáng tác về tình yêu với ca từ lãng mạn, thi vị. Những sáng tác của ông được biết đến nhiều là Lâu đài tình ái, Hoa trinh nữ, Gặp nhau làm ngơ, Hàn Mặc Tử... Thập niên 1960, ông còn là ca sĩ nổi tiếng, nằm trong "Tứ trụ nhạc vàng", bên cạnh Duy Khánh, Hùng Cường, Chế Linh. Năm 1993, ông sang Mỹ định cư. Ông mất năm 2005 tại California vì ung thư phổi.
Album mới của Đức Tuấn gồm các ca khúc: Mùa đông của anh, Trên đỉnh mùa đông, Khi người yêu tôi khóc, Hàn Mạc Tử, Hoa trinh nữ, Lâu đài tình ái, Chuyện hẹn hò, Tình đầu tình cuối... Anh sinh năm 1980, từng đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP HCM năm 2000 khi theo học Ngoại thương. Anh hát lại nhiều ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn...
Mai Nhật