Cây cầu bằng tre được đan vào mùa nước cạn, trên dòng sông Nậm Khan, để khách có một đường tắt qua bên kia sông. Nếu đi đường vòng thì rất xa. Cứ mùa lũ đến, cây cầu sẽ bị cuốn trôi. Và người dân địa phương sẽ làm lại cầu mới mỗi năm. Cây cầu trở thành một phần sinh kế của vài gia đình người Lào ở đây. Việc của họ là đan và dựng lại cây cầu khi mùa lũ rút.
Có những du khách không thích trả khoản tiền này, nhưng những đường nan tre khéo léo và vị trí duyên dáng của cây cầu khiến họ tò mò. Và đối thoại trên là một “giải pháp” để né tiền vé qua cầu.
Tôi chợt nghĩ, người đan cầu sẽ nghĩ gì nếu họ nghe được câu nói kia, dù 5.000 Kip với người phương Tây là số tiền rất nhỏ, chưa bằng nửa USD. Đây không phải lần đầu tiên tôi chứng kiến những “hành vi khập khiễng” có thể làm tổn thương tinh thần của cư dân bản địa như thế nào.
Ngành du lịch toàn cầu đang đi với tốc độ chưa từng có. Giá rẻ. Đặt vé máy bay và lưu trú dễ dàng. Thuê xe linh hoạt. Đây là ngành công nghiệp trị giá 8,2 nghìn tỷ USD năm 2017, chiếm hơn 10% GDP toàn cầu, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Du lịch Thế giới. Hơn một tỷ du khách đang làm kẻ lữ hành trên đường.
Nhưng đằng sau những con số tích cực và hấp dẫn về doanh thu và tăng trưởng, những “điểm đến” đang bắt đầu phải gồng mình đón những làn sóng va đập, có thể làm người địa phương phản ứng tiêu cực, tổn hại hoặc nặng nề hơn là thương vong giá trị văn hóa trong cộng đồng họ. Năm 2017 chứng kiến những vết xước mà du khách tạo ra, và tôi cũng nhận thấy trên đường rong ruổi nhiều ngày của mình.
Hai du khách Mỹ cởi quần khoe mông để chụp ảnh “selfie mông” ngay trong đền thờ Wat Arun ở Bangkok, Thái Lan - theo một trào lưu chụp mông trong giới đi phượt khắp thế giới trên internet. Họ bị cảnh sát Thái bắt ngay sau đó vì xúc phạm nơi thờ phụng Đức Phật của dân tộc này.
Chủ khách sạn người Indonesia ở Bali, nơi tôi ở chừng hai tháng, kể rằng: “Thanh niên trong làng lớn lên nghĩ rằng chỉ cần biết lướt sóng, làm thầy dạy lướt sóng, tìm một cô bạn gái Tây thì họ sẽ có ‘tài trợ’ để giàu có, không cần lao động gì hết”. Họ bỏ học sớm. Và sự nghiệp làm huấn luyện lướt sóng không dài. Nhưng du khách ở phần này của thế giới sẵn sàng đồng lõa với họ trong sự dễ dãi của vùng biển tuyệt đẹp và hào phóng này.
Xô lệch văn hóa giữa du khách và cư dân bản địa là chuyện dài vĩnh viễn không hết. Những đứa trẻ miền núi ở Sapa, từng che mặt không cho chụp hình, đến khi đòi được “một đô” mới chịu nhoẻn cười cho du khách. Rồi đến những em bé miền núi Tây Bắc, cứ gặp những người du lịch đi qua lại chìa tay xin kẹo -thứ thói quen được thành lập từ những người đi hào phóng, muốn để lại chút ấm áp cho các em. Dù thiện ý hay vô tâm, hàng nghìn du khách và niềm vui của họ đã bóp méo tâm hồn của thế hệ trẻ thơ bản địa, chỉ trong vài phút lướt qua.
Nhưng khi làn sóng ấy dâng lên như dòng đô la đang chảy khắp thế giới, tôi thật lòng lo lắng những thành trì văn hóa vững vàng nhất rồi cũng sẽ lung lay. Chúng lung lay trước những câu bình phẩm đầy thiên kiến của du khách, hay món lợi kếch xù bỗng nhiên từ trên trời ập xuống. Khi ấy, những điểm đến hồn nhiên và mong manh, như rất nhiều vùng nông thôn hay núi non Việt Nam, có thể sẽ chuyển mình dữ dội – với nhiều đổ vỡ căng thẳng như những quốc gia Đông Nam Á khác.
Xa xôi hơn, nhìn đến những hòn đảo khắp Đông Nam Á ngập ngụa trong rác thải nhựa sau rất nhiều năm rộng cửa đón du khách từ khắp nơi đổ về. Con cá voi ở Thái chết với hàng chục chiếc túi nylon trong bao tử. Rặng san hô ở Philippines xuất hiện trong thước phim tài liệu với chai dầu ăn lơ lửng bên trên và quả bóng nhựa vỡ đôi.
Một người bạn của tôi xuất ngũ từ quân đội Singapore mỗi năm đi du lịch một lần. Vài năm trước anh chọn Phuket. Ở đó, anh chế ra một chiếc máy nấu chảy nhôm và đúc thành đồ gia dụng, giúp dân địa phương có thể xử lý được phần rác thải là lon bia nhôm du khách vứt bừa bãi khắp các bãi biển. Anh kể: “Mỗi năm tôi chọn một điểm đến, và tìm hiểu trước xem dân địa phương cần gì. Tôi sẽ đến và giúp họ một giải pháp trong tầm tay của họ và tôi”. Anh tự hào khoe đoạn video anh hướng dẫn dân Phuket xài cái máy tự chế cực rẻ và dễ dàng. Không có rác vương vãi đầy bãi biển, ngôi làng anh đến ở sẽ rất thanh lành, xinh đẹp, như từ dạo lâu lắm rồi chúng tôi nhìn thấy nó trong bức ảnh du lịch úa màu.
Là một người đi chơi, tôi bắt đầu nghiêm túc ý thức những gì mình nói có thể làm tổn thương lòng tự trọng người địa phương, hay sự tiêu xài của mình có thể hủy hoại lối sống xưa nay của người ở đó. Tôi có chút hổ thẹn khi nhớ lại lúc chúng tôi trả tiền để thuê ván, thuê người huấn luyện và tương tác đầy mùi tiền bạc với người Bali. Tôi giật mình khi vô tư nhận chiếc túi nhựa đựng bánh từ cô hàng ngoài chợ ở Indonesia, bởi thình lình nhớ ra bãi biển sớm mai đầy nhựa dạt vào, như một phần dấu vết tiêu dùng của những du khách phương xa.
Tôi bắt đầu lắng nghe điểm đến. Để năm sau mình có thể quay lại. Để người địa phương hạnh phúc và sống không chấp chới trong sự xung đột danh tính và văn hóa. Để tôi - dù đi qua bao quãng đường - cũng không hậm hực trong lòng khi nghe một cái mẹo lậu vé của người xa lạ đến xứ mình.
Tôi nhìn những vườn hoa xinh xắn ở làng hoa Sa Đéc mỗi năm Tết về, đi qua vườn người chủ nhiệt thành gật đầu cho ghé chơi. Khi ấy, tôi tự dặn lòng đừng làm hỏng hoa của bà, đừng xô đẩy chậu qua qua chỗ này chỗ kia. Sự nhiệt thành ấm áp đó phải được đáp lại bằng lòng tôn trọng, để thêm hàng trăm du khách nữa đi qua, bà vẫn không mỏi mệt cho họ vào ngắm tinh hoa mùa xuân từ đôi tay bà trồng.
Chuyện dễ dàng như đi chơi, thì đến lúc ta cũng phải thương xót cả con đường, khi hiểu rằng mình là trong một tỷ người đang ầm ầm gót giày sục sạo chinh phục thế giới. Đâu cần phải phá vỡ sự khác biệt mới tạo nên một hành trình.
Khải Đơn