Tôi từng rất ngưỡng mộ bạn thân mấy chục năm của mình, từ một người tay trắng, qua máu lửa, dám nghĩ dám làm, hết lòng vì công việc kinh doanh đã có cơ ngơi vững chãi.
Bạn tôi là chủ một cơ sở vật liệu xây dựng, từng có ý muốn lớn mở rộng cửa hàng, đầu tư showroom gạch lát nền để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Cách đây vài năm, bạn ấy trình bày kế hoạch với tôi, huy động vốn để thực hiện. Tôi tin tưởng, sẵn sàng cho vay 2 tỷ đồng, xem như một khoản góp sức để cùng nhau phát triển.
Hơn nữa, mấy đứa em họ của tôi cũng làm việc tại cơ sở của bạn, cụ thể là lái xe ben, máy xúc...
Thế nhưng, một ngày nọ, tôi nhận được tin nhắn từ người quen ở quê, chê cửa hàng của bạn tôi "gạch cũ, mẫu mã xấu, không có hàng mới". Tôi ngỡ ngàng. Không phải bạn tôi đầu tư, mở rộng quy mô sao?
Tôi đem chuyện này hỏi thẳng, bạn tôi mới thú thật: "Dừng đầu tư vào cửa hàng rồi, giờ chỉ gom tiền mua đất, trữ vàng thôi". Bạn đã chọn con đường an toàn hơn, tích lũy tài sản chờ thời thay vì phát triển kinh doanh.
Tôi còn biết nhiều người kinh doanh làm ăn khác qua thời máu lửa, bỗng dưng thành "doanh nhân phòng thủ".
Con đường họ đi đều giống nhau, khởi nghiệp đầy nhiệt huyết, kiếm được tiền rồi thì dần dần chuyển sang thế phòng thủ. Họ không còn mạnh dạn tái đầu tư, không còn sẵn sàng đột phá để cạnh tranh, mà chọn cách giữ của, mua đất, trữ vàng.
Dần dà, những cơ sở kinh doanh từng sôi động một thời lại trở nên cũ kỹ, lỗi thời. Họ không đầu tư vào công nghệ, không đổi mới sản phẩm, không nâng cấp dịch vụ. Họ nghĩ mình đang giữ tiền an toàn, nhưng thực chất lại đang để cơ hội tuột khỏi tay.
Đầu tư vào bất động sản hay vàng không sai, nhưng nếu ai cũng chỉ chăm chăm gom đất, trữ vàng thay vì mở rộng sản xuất, sáng tạo cái mới, thì xã hội sẽ đi về đâu? Nếu doanh nhân chỉ muốn bảo toàn tài sản, không dám mạo hiểm, không dám đột phá, thì mọi thứ sẽ chững lại.
Chúng ta cần những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng làm ra giá trị thật sự, thay vì chỉ ngồi chờ tài sản tăng giá theo thời gian.
Tôi không nói rằng ai cũng phải lao đầu vào rủi ro, nhưng chí ít, doanh nhân - những người đáng lẽ phải là động lực của nền kinh tế - không nên chỉ nghĩ đến việc phòng thủ.
Họ cần nhìn xa hơn, cần dám đầu tư vào con người, vào công nghệ, vào những giá trị bền vững thay vì chỉ ôm đất, giữ vàng. Vì suy cho cùng, một doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài không thể chỉ dựa vào tài sản tích lũy, mà phải nhờ vào sức mạnh của đổi mới và sáng tạo.