Sau khi đọc thông tin từ bài viết Cô giáo bị học sinh nhốt trong lớp, ném đồ vào người, trong đầu tôi hiện lên câu nói của người xưa: Người trên mà không tử tế thì người dưới tất sẽ càn quấy.
Theo thông tin từ bài viết, đánh giá của lãnh đạo địa phương, nguyên nhân câu "chuyện xuất phát từ hai phía".
Thử phân tích, ta thấy thượng bất chính ở chỗ: "Giáo viên Âm nhạc này nhiều lần có phát ngôn "chợ búa", không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh. Cô cũng mới bị trường cảnh cáo vì hành vi này".
Để rồi, hạ tắc loạn khi "học sinh có thái độ không tôn trọng cô từ trước. Hôm đó (hôm xảy ra sự vụ) cô cũng có hành vi hay phát ngôn chưa phù hợp, dẫn đến các em có hành vi như vậy".
Chúng ta sẽ đổ lỗi cho ai trong trường hợp này? Là học sinh ư? Ngày xưa đi học, lớp tôi cũng chịu khá nhiều ấm ức từ những hành xử vô lý của giáo viên, nhưng tuyệt nhiên không ai dám hó hé một điều gì cả.
Là giáo viên ư? Tại sao giáo viên lại có những phát ngôn "chợ búa"? Chẳng lẽ nghiệp vụ sư phạm không dạy những bài học về cách xử lý những tình huống xung đột trong môi trường mô phạm?
Tôi đang nghĩ, chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục đúng nghĩa, vì thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò mới xảy ra những vụ việc như thế này.
Nguyễn Hoàng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.