Có một điều thoạt nhìn có phần bất hợp lý, đó là ít ai thắc mắc về chuyện HLV Park Hang-seo gọi đến bảy cầu thủ Hà Nội lên tuyển dịp này, khi đội bóng thủ đô chưa đá trận nào ở V-League 2022. Trong số này, hậu vệ Nguyễn Văn Vĩ thậm chí mới về lại Hà Nội sau hai năm đá cho Hà Tĩnh. Phải chăng việc có nhiều cầu thủ HAGL lên tuyển không có gì đáng tranh cãi, bởi dường như HLV Park... không quá chú trọng đến phong độ hiện tại của các cầu thủ. Việc các cầu thủ HAGL có thể chưa đạt phong độ tốt nhất là thực tế, nhưng cũng chẳng có gì đảm bảo rằng nhóm cầu thủ Hà Nội FC có phong độ tốt hơn, khi họ thậm chí chưa thể thi đấu và có người còn không thể tập luyện vì mắc Covid-19.
Thế nên, tương tự trận HAGL - Viettel hôm qua, màn ra mắt của Hà Nội FC trước TP HCM tiếp tục thu hút chú ý, liên quan đến danh sách triệu tập của HLV Park. Sau AFF Cup 2020, ông đã thay đổi khi đặt trọng tâm xây dựng đội hình dựa trên những con người của Hà Nội. Trong trận thua Australia 0-4 cuối tháng 1/2022, có đến sáu thành viên Hà Nội đá chính, và đến trận thắng Trung Quốc 3-1 ngày 1/2, con số này là bốn. Sức mạnh của Việt Nam hiện nay sẽ được đánh giá chủ yếu từ những gì mà cầu thủ Hà Nội sẽ thể hiện. Đó chính là một áp lực không nhỏ dành cho đội chủ sân Hàng Đẫy.
Nhưng trên thực tế, áp lực lớn nhất của Hà Nội chính là việc họ sẽ chơi trận đầu tiên tại V-League 2022 theo cách nào. Các trận đấu đã qua của V-League gần như vắng bóng những màn trình diễn thu hút người xem. Sự thực dụng không có gì xa lạ với V-League, nhưng từ nhiều năm qua, Hà Nội luôn có thể làm tươi mát bầu không khí ngột ngạt đó ở mỗi vòng đấu bằng phong cách chơi bóng tấn công áp đặt, kể cả khi đội thua trận. Vấn đề bây giờ là liệu đội bóng thủ đô có còn có thể chơi được thứ bóng đá ấy hay không?
Hà Nội thất bại mùa trước và chưa có dấu hiệu cho thấy họ sẽ đá tốt hơn ở mùa này. Đội thay HLV trưởng ngay trước thềm mùa giải, và dù có kinh nghiệm làm việc tại V-League, phong cách bóng đá của tân HLV người Hàn Quốc Chung Jae Ho vẫn là ẩn số. Hà Nội cũng "thay máu" hoàn toàn ngoại binh, những cầu thủ chơi bóng theo kiểu Latin như Bruno và Geovane ra đi, nhường chỗ cho hai cầu thủ gốc Âu là Ivancic và Djuro Zec.
Ngoại binh vốn luôn ảnh hưởng lớn đến lối chơi của Hà Nội FC. Mùa trước dù kém, tiền đạo Geovane cũng kịp ghi sáu bàn. Mùa 2020, họ có Rimario đứng đầu danh sách Vua phá lưới cùng Pedro của Sài Gòn FC. Ở hai mùa liền Hà Nội FC thống trị V-League - 2018 và 2019, các tiền đạo ngoại của họ là Oseni và Pape Omar, Hoàng Vũ Samson đều đứng đầu danh sách. Nói cách khác, khác biệt mà Hà Nội FC tạo ra được quyết định bởi khả năng ghi bàn từ các chân sút ngoại. Chỉ cần vị trí này thất bại, vị thế của Hà Nội cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng có thể cách tiếp cận trận đấu của Hà Nội mùa này sẽ thay đổi. Họ vừa bổ sung các tiền vệ có khả năng dâng cao ghi bàn là Vũ Minh Tuấn và Nguyễn Hai Long, cũng như sự xuất hiện của gương mặt mới có lối đá "giống Tây" Phạm Tuấn Hải - tiền đạo vừa được HLV Park phát hiện trên đội tuyển quốc gia. Hà Nội FC hoàn toàn có thể tính đến giải pháp "Việt hóa" hệ thống tấn công, giảm bớt lệ thuộc vào ngoại binh, xem đó như một bước đi mạo hiểm nhằm khẳng định họ vẫn là đội bóng số một Việt Nam trên mọi phương diện.
Chức vô địch có thể không còn là mục tiêu quan trọng nhất với một đội bóng đã năm lần đăng quang tại V-League. Nhưng Hà Nội đang có một khoảng trống ở hệ thống trẻ. Lần gần nhất họ vô địch ở các lứa U19, U21 quốc gia là từ 2019. Còn tại giải hạng Nhất quốc gia, cũng không còn một đội Hà Nội B nào được đầu tư thi đấu. Ngoài nhóm cầu thủ đã thành danh, Hà Nội đang mất đi tính cạnh tranh ở khía cạnh khả năng tạo ra một ngôi sao mới, nếu so với Viettel hay HAGL. Trong khi đó, V-League đang nổi lên những kẻ thách thức mới như Hải Phòng, Bình Định với các HLV vốn cũng từ Hà Nội mà ra đi...
Song Việt