Các đoàn tàu hỏa thiết giáp thống lĩnh chiến trường trong hơn 100 năm cho đến Thế Chiến II trước khi có những cải tiến trên xe tăng, ô tô và máy bay chiến đấu ra đời sau đó. Các chiến hỏa xa này vừa được lắp những khẩu pháo siêu lớn để bắn phá kẻ thù vừa dùng để chuyển quân và hàng tiếp tế. Nói ngắn gọn thì các cỗ máy đáng sợ này không chỉ là một vũ khí mạnh nhất mà còn trang bị công nghệ rất hiện đại.
Siêu đại pháo hạng nặng Gustav của Đức dài 45,7 m, cao 12,2 m và nặng 1500 tấn là loại pháo hoạt động trên đường ray xe lửa lớn nhất từng được chế tạo. Gã khổng lồ trong ngành thép của Đức khi đó là Krupp A.G chỉ chế tạo hai khẩu pháo loại này nhưng đều không phát huy hiệu quả
Vũ khí này được phát triển dựa trên kinh nghiệm thực tiễn chiến trường. Trong Thế Chiến I, Đức từng sử dụng những khẩu pháo tầm xa bắn phá thủ đô Paris của Pháp, khiến phe Đồng minh nhiều phen hoảng hốt. Đức đã nã pháo 211 mm vào Paris bằng đạn nặng 110,2 kg từ khoảng cách 120,7 km. Mỗi phát bắn mất tới ba phút để đến mục tiêu do đạn của nó bay vọt xuyên qua tầng bình lưu, và một trong những quả đạn pháo này đã rơi trúng một nhà thờ ở Paris giết chết 91 người.
Khẩu pháo tấn công Paris đã khơi nguồn cảm hứng để Đức chế tạo những khẩu pháo cực lớn trong Thế Chiến II. Các kỹ sư của công ty Krupp đã hiệu chỉnh lại thiết kế của pháo bằng cách cố định nòng và tăng kích cỡ của nó từ 21 lên 28 cm. Điều này giúp tăng độ chuẩn xác nhưng khiến tầm bắn bị giảm từ 128,7 km xuống còn 64,3 km, và họ đặt tên loại pháo hiệu chỉnh này là K-5.
Kể từ năm 1936, tập đoàn Krupp đã sản xuất hơn 20 khẩu pháo K-5. Quân Mỹ đã phải đối phó với hai khẩu K-5 mang tên Robert và Leopard trong chiến dịch đổ bộ đánh chiếm Anzio, Italy tháng 1/1944. Loại pháo hình thù kỳ dị này đã phá hủy hơn 1.500 tấn đạn, làm hư hỏng các tàu đồng minh và nã hơn 5.500 viên đạn vào quân đổ bộ Mỹ trên bờ.
Đến năm 1934, Pháp đổ tiền gia cố hệ thống phòng tuyến Maginot dọc biên giới với Đức. Sau khi chứng kiến hiệu quả của các khẩu pháo lắp trên đường ray xe lửa, Bộ Tư lệnh Tối cao Đức đã yêu cầu các kỹ sư của tập đoàn Krupp thiết kế một loại vũ khí để phá hủy các pháo đài ở biên giới Pháp dọc phòng tuyến Maginot, và siêu pháo Gustav ra đời.
Hitler đã thông qua dự án sản xuất pháo hạng nặng đầu tiên năm 1937 với chi phí 10 triệu Mác, tương đương khoảng 67 triệu USD ngày nay, và yêu cầu hoàn thành vũ khí này vào mùa xuân 1940 để phục vụ cho kế hoạch xâm chiếm Pháp. Tuy nhiên, phải đến năm 1941, Gustav mới được hoàn thành do những khó khăn trong quá trình rèn nòng pháo khổng lồ theo yêu cầu kỹ thuật.
Pháo Gustav có nòng dài hơn 30,4 m, sử dụng đạn kích cỡ 787,4 mm, dài 3,65 m, đạt tầm bắn hiệu quả 32,1 km. Đạn này có hai biến thể là đạn nổ nặng 5 tấn và đạn xuyên giáp nặng 7 tấn.
Nhưng điểm nhấn của vũ khí này lại nằm ở kích cỡ siêu lớn khiến nó mất rất nhiều thời gian để khai hỏa và cần tới hàng trăm binh sĩ để vận hành. Trong nhiều thế kỷ, người ta quan niệm rằng cứ pháo lớn hơn là uy lực hơn nhưng điều này đã thay đổi trong thế chiến II.
Siêu pháo Gustav lớn hơn và nặng hơn loại pháo sử dụng trên đường ray xe lửa trước đó và là loại lớn nhất từng được chế tạo.
Tuy nhiên, Pháp đã thất thủ và quân đội Đức Quốc xã chưa bao giờ cần đại pháo để đánh sập phòng tuyến Maginot mà đơn giản là chỉ đi vòng qua phòng tuyến này như họ từng làm trong Thế Chiến I. Hitler quyết định sử dụng khẩu pháo lớn nhất thế giới trong chiến dịch tấn công Liên Xô mùa hè năm 1941.
Thành phố cảng chiến lược Sevastopol ở Crimea là một trong những mục tiêu chính của cuộc xâm lược này. Đây chính là cửa ngõ cho hải quân Nga tiến ra Địa Trung Hải, và các thành trì phòng thủ của Liên Xô ở đây là mục tiêu tấn công hoàn hảo của siêu pháo Gustav.
Phát xít Đức đã đặt pháo vào tầm bắn hiệu quả với các mục tiêu, và chuyển các bộ phận của nó trên 25 chuyến tàu đến vị trí đã định. Khoảng 3.800 lính đã chuẩn bị địa điểm đặt pháo trong 4 tuần, gồm cả việc đào một đường hầm dài 7,92 m để ngụy trang vũ khí giữa các loạt bắn.
Đại pháo Gustav cần 250 quân nhân và kỹ sư điều khiển hỏa lực. Để lắp đặt đại pháo này cần tới 1.250 kỹ sư, nhà khoa học và lính bảo vệ tiến hành trong ba ngày trên các tuyến đường ray xe lửa kép được thiết kế đặc biệt
Vấn đề quân Đức gặp phải là vũ khí này chỉ có thể bắn 14 phát mỗi ngày. Sau khi bắn 300 phát, nòng khổng lồ của nó cần được thay thế bằng một nòng khác vận chuyển từ nhà máy Krupp ở Đức.
Siêu pháo Gustav đã bắn tổng cộng 48 phát đạn chủ yếu vào các pháo đài của Liên Xô ở Sevastopol. Sau đó nó không còn được sử dụng thêm lần nào nữa. Berlin đã tiêu tốn hơn 1000 tấn thép, hàng nghìn giờ lao động của kỹ sư, binh lính và hàng triệu Mác Đức chỉ cho 48 phát đạn trong một cuộc chiến nơi thép, nhân lực và tài chính có nguồn cung hạn chế.
Một biến thể khác của Gustav mang tên Dora được sản xuất sau đó. Nó được chuyển đến ngoại ô thành phố Stalingrad để chuẩn bị phát động tấn công vào giữa tháng 8 năm 1942. Khi Dora sẵn sàng khai hỏa vào ngày 13/9 thì quân Đức bị Hồng quân Liên Xô bao vây, buộc lực lượng phát xít phải tháo rời Dora và rút lui. Cả Gustav và Dora sau đó đều rơi vào tay quân đội Mỹ và đều bị phá hủy.
Nói cách khác, đại pháo Gustav là một thành tựu kỹ thuật lớn nhưng lại là một sự điên rồ về quân sự của phát xít Đức. Những năm sau đó, tên lửa, vũ khí nguyên tử và oanh tạc cơ hạng nặng ra đời với chức năng tương tự pháo Gustav nhưng có số lần khai hỏa, tầm bắn và khả năng cơ động lớn hơn.
Duy Sơn