Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng hai năm ngoái, Yaryna Yahodkina đã mang theo hai con nhỏ di tản ra nước ngoài, chia tay người chồng vẫn tiếp tục ở lại quê nhà chiến đấu. Hiện tại, gia đình họ đã đoàn tụ, sống dưới lệnh giới nghiêm tại thị trấn Dobropillia, cách thành phố Bakhmut gần 100 km về phía tây.
"Tên lửa có thể bay tới bất kỳ nơi nào, vậy nên chúng tôi chỉ còn biết cách cầu nguyện rằng nhà mình không bị bắn trúng", Yahodkina nói.
Người phụ nữ 29 tuổi phải đối mặt với câu hỏi nan giải khi cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc: Tiếp tục ra nước ngoài để sống an toàn ở một vùng đất xa lạ, hay bám trụ quê hương thân thuộc đang chìm trong chiến sự.
Khoảng 8 triệu người phải sơ tán khỏi Ukraine khi giao tranh với Nga nổ ra. Theo Liên Hợp Quốc, sau hơn một năm, còn khoảng 6,2 triệu người Ukraine vẫn ở nước ngoài, cho thấy khoảng 1,8 triệu người đã trở về quê hương, dù giao tranh chưa chấm dứt.
Một khảo sát được Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc thực hiện từ tháng 5 đến tháng 6 cho thấy khoảng một triệu người Ukraine ở nước ngoài đã trở về chốn cũ để thăm gia đình hoặc ở lại. 353.000 người khác trở về Ukraine, nhưng phải sống ở những tỉnh khác do chiến sự.
Những người tham gia khảo sát phần lớn nói rằng lý do họ quay về là để đoàn tụ gia đình. Làn sóng này được cho là sẽ thúc đẩy nền kinh tế cũng như tinh thần của Ukraine, đồng thời rất quan trọng với triển vọng dài hạn của đất nước.
"Nếu không có những người dân quay trở lại, chúng ta sẽ không thể có một nền kinh tế mạnh", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 6 nói.
Bộ Kinh tế Ukraine cho biết cứ mỗi 100.000 người Ukraine sống ở nước ngoài, GDP của đất nước sẽ giảm 0,5%. Dữ liệu từ Bộ cho thấy GDP Ukraine đã giảm 1/3 vào năm 2022.
Tình cảm gia đình, an ninh tài chính và sự hài lòng về công việc, xã hội đang lấn át nỗi sợ, yếu tố chính từng thúc đẩy người Ukraine rời đi.
Khi xung đột bùng nổ, Yahodkina đến Ba Lan, nơi cô và các con sống cùng một gia đình bản địa. Không có ôtô hay bằng lái xe, cô không thể tìm việc làm.
Sau khi chồng cô bị thương trong lúc chiến đấu, Yahodkina hồi tháng 5 trở về Dobropillia, thị trấn có dân số khoảng 28.000 người trước xung đột ở miền đông Ukraine, để chăm sóc chồng. Dù sống với nguồn cung nước hạn chế, lệnh giới nghiêm và "tên lửa liên tục bay qua đầu", Yahodkina nói rằng cô vẫn hạnh phúc vì "được ở bên cạnh những người hoàn toàn ủng hộ và hiểu mình".
Kseniia Gashchak, điều phối viên chuyên làm việc với người tị nạn Ukraine ở Berlin, Đức, cho hay làn sóng hồi hương hiện nay chủ yếu gồm những người không thể đảm bảo việc làm và nơi ở ổn định tại nước ngoài. Một số người trở về để chăm sóc thành viên gia đình già yếu hay có nam giới trong nhà không được phép rời khỏi đất nước.
Olga Dyvynska, 36 tuổi, trở về vì muốn ở bên cạnh người chồng đang phục vụ trong lực lượng vũ trang. Cô cũng muốn giúp mẹ chăm sóc bà ngoại bị liệt và cho con gái theo học tại một ngôi trường Ukraine.
Cô rời Ba Lan về nước hồi tháng 5, đúng thời điểm Kiev phải hứng chịu hàng loạt cuộc không kích của Nga. Dyvynska nhớ bản thân đã không ít lần tự hỏi "Tại sao mình lại làm điều này?".
Với Dyvynska, động lực có lẽ nằm ở niềm vui của cô con gái khi được trở lại trường mẫu giáo. "Con bé chạy nhảy tung tăng ở đó. Tôi thậm chí không thể thuyết phục nó về nhà dù có báo động không kích", cô nói.
Cơ hội việc làm hấp dẫn cũng là trọng tâm trong chiến lược của Bộ Kinh tế Ukraine nhằm xây dựng lại lực lượng lao động cho đất nước, ngay cả khi chiến sự đã khiến số việc làm suy giảm. Trong nửa đầu năm nay, Ukraine có 172.000 vị trí tuyển dụng, giảm so với gần 235.000 vị trí được Cơ quan Quản lý Việc làm Nhà nước đăng ký trong cùng kỳ năm 2022.
Các chương trình của chính phủ cung cấp những khoản trợ cấp hấp dẫn cho doanh nghiệp để kích thích tạo việc làm trong hàng loạt lĩnh vực, từ công nghệ thông tin đến sản xuất rượu vang.
Chúng được xây dựng nhằm chinh phục mục tiêu lớn hơn của Bộ Kinh tế Ukraine là thu hút 4,5 triệu người tham gia thị trường lao động trong 10 năm tới. "Khả năng phục hồi của thị trường lao động không phải kết quả của chiến thắng, mà là con đường dẫn đến thắng lợi", Thứ trưởng Kinh tế Tetyana Berezhna tháng trước nhấn mạnh.
Chi phí sinh hoạt tại Ukraine cũng phù hợp hơn so với ở nước ngoài, những người trở về cho biết, đặc biệt là đối với nhiều người vẫn nhận lương Ukraine khi làm việc từ xa.
"Điều khiến tôi yên lòng khi trở về là tôi có thể tự lo cho cuộc sống của mình tại đây", Sofiia Zubova, 22 tuổi, đến từ thành phố Kryviy Rih, miền trung Ukraine, nói.
Làm việc cho một công ty Ukraine tại Czech, số tiền Zubova kiếm được không đủ trang trải cuộc sống nơi xứ người.
"Tôi cảm thấy mình giống như một thiếu niên với nhiều tiền tiêu vặt hơn một chút", cô ví von. Bây giờ, dù thỉnh thoảng phải ngủ ngoài hành lang căn hộ khi xảy ra không kích, Zubova vẫn cảm thất bớt sợ hãi, bởi cô đang được ở nhà.
Khi cuộc xung đột giờ đây chủ yếu diễn ra ở chiến tuyến miền đông và miền nam, nhiều người Ukraine quyết định bỏ lại cuộc sống tị nạn phía sau.
Sofia Kaluhina, 22 tuổi, đã sống ở Hà Lan trong một văn phòng cũ được chuyển đổi thành nhà ở miễn phí cho người tị nạn Ukraine. "Chúng tôi phải dính giấy dán tường lên các tấm kính lớn, nhưng vẫn còn các khoảng trống và bạn có thể nghe thấy mọi thứ ở bên ngoài", cô nói.
Kaluhina, một nghệ sĩ tự do, đã tìm được bạn mới nhưng vẫn nhớ những buổi gặp gỡ bạn bè trong quán bar yêu thích của mình ở thủ đô Ukraine.
"Kiev có những nơi khiến tôi cảm thấy như ở nhà. Tại Hà Lan, tôi không thể tìm thấy nơi nào tương tự", cô nói. Kaluhina cho biết cảm giác an toàn ở Hà Lan không thể bù đắp được niềm vui từ cuộc sống mà cô đã bỏ lỡ ở Ukraine.
Nhưng với một số người, trở về hay không là cả một nỗi đắn đo.
Olena Bychkova, 35 tuổi, cho biết nếu về Ukraine, cô sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế khi không còn được hưởng các chính sách như nhà ở miễn phí hay tiền hỗ trợ từ chính phủ Litva, nơi cô đang tị nạn. Bychkova cũng sẽ mất thu nhập từ việc cho thuê căn hộ tại Ukraine trong thời gian ở nước ngoài.
Nhưng Bychkova đã quyết định nhận công việc gây quỹ cho một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Ukraine. Tổ chức này nói rằng cô sẽ có thể phát huy tốt hơn tấm bằng đại học của mình so với công việc phục vụ tại một trạm xăng ở Litva.
"Tôi phải làm lại mọi thứ từ đầu", Bychkova nói.
Dù vậy, con gái cô, Janelle, 6 tuổi, có vẻ thoải mái hơn khi được trở về. "Con bé chỉ hát khi vui. Và ở đây, nó hát gần như cả ngày", cô cho hay.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)