Ba tháng đầu năm, cả nước có 149.000 lao động mất việc do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Số này tăng gần 13% so với quý cuối năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, người mất việc tập trung tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, chế xuất như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Lao động nghỉ, giãn việc đến hết quý là 294.000 người, phần lớn thuộc các doanh nghiệp FDI trong ngành da giày, dệt may, chế biến gỗ. Số giữ được việc, thu nhập cũng giảm do doanh nghiệp giảm việc, giờ làm.
Khó khăn kinh tế khiến nhiều người lao động chọn giải pháp rút bảo hiểm xã hội một lần. Ví dụ, tại TP HCM, cơ quan bảo hiểm xã hội cho biết, số người nhận trợ cấp một lần trong quý I là gần 26.000 người, tăng hơn 6% so với quý trước. Số người nhận cũng tăng đột biến, quá tải ở các quận, huyện nhiều khu công nghiệp, nhà máy như quận 12, Bình Tân.
Không có việc làm, thu nhập bấp bênh càng khiến giấc mơ có nhà của người lao động xa vời. Thậm chí, những người có tích góp thì quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội cũng được phản ánh không dễ.
Để góp phần giúp Chính phủ thấy rõ hiện trạng, có chính sách hỗ trợ an sinh hiệu quả, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress thực hiện khảo sát với người lao động từ nay đến 30/4. Ý kiến của bạn sẽ được tổng hợp trong báo cáo, kiến nghị trình Thủ tướng.