Danh ca cùng đàn em thân thiết - ca sĩ Quang Thành - đến khu nghĩa trang ở đường Bolsa, quận Cam để tưởng nhớ đồng nghiệp. Tro cốt của Lệ Thu được đặt trong hộc dưới chân đài tưởng niệm - khu vực chính của nghĩa trang. Ngắm di ảnh Lệ Thu khắc trên bia đá, Khánh Ly ngậm ngùi nói: "Từng người rồi cũng phải ra đi. Người đi thì đã bình yên. Người ở lại phải sống với kỷ niệm, kỷ niệm càng nhiều lại càng nhớ thêm".
Ca sĩ Quang Thành cho biết nơi cố danh ca yên nghỉ thoáng đãng, đầy nắng và gió. Tro cốt của con gái bà - Trần Thị Cẩm Tú, qua đời sau danh ca hai tháng - cũng đặt cạnh. Bà an nghỉ gần những giọng ca lừng lẫy một thời, trong đó có Duy Khánh. "Vậy là chị đã được hội ngộ những người yêu thương ở bên kia thế giới", Quang Thành nói.
Trong lá thư gửi VnExpress sau khi Lệ Thu qua đời, Khánh Ly kể giữa họ có tình bạn hơn nửa thế kỷ. Thập niên 1960, khi Khánh Ly còn là tên tuổi mới nổi trong giới sinh viên, Lệ Thu đã là "bà hoàng" vũ trường, là tiếng hát sang cả của một tầng lớp quý tộc khoa bảng. Khánh Ly viết: "Họ yêu tiếng hát Lệ Thu bởi chất giọng lành lạnh, kiêu kỳ. Tiếng hát của đỉnh cao vực sâu. Tiếng hát sắc lạnh như một vết chém. Dứt khoát. Không nương tay. Vết chém ngọt ngào. Nhiều lần hát chung, đứng bên cánh gà nhìn ra, tôi bồn chồn xốn xang nghe Lệ Thu hát, nghe những tràng pháo tay như sấm rền dành cho chị. Chưa đến lượt mình, tôi đã muốn tắt giọng. Đành là hồn ai nấy giữ, nhưng đứng trước Lệ Thu, tôi không còn một miếng tự tin nào".
Khánh Ly cho biết ba tháng trước khi Lệ Thu qua đời, bà kịp thực hiện một điều từng hứa với bạn trước đó 20 năm. Ngày đó, trong phút cao hứng, bà hứa kho cá cho Lệ Thu ăn nhưng rồi mải lo công việc, chồng con, bà quên mất lời hẹn, cố danh ca cũng không nhắc đến. Cuối năm 2020, bà nhờ đồng nghiệp gửi một nồi cá kho cho Lệ Thu, danh ca bất ngờ khi nhận được món quà. Một thời gian sau, bà qua đời, bỏ lại lời hẹn cùng Khánh Ly về Việt Nam thực hiện chuỗi đêm nhạc Vòng tay nhân ái.
Quang Thành nhớ kỷ niệm thuở mới vào Nhạc viện TP HCM, Lệ Thu là giọng ca anh thường hay nghe theo để học tập. Với anh, đó là một trong những giọng hát chuẩn mực nhất trong mảng tình ca, từ tiền chiến đến đương đại bởi chất giọng nữ trung điêu luyện, âm vực rộng, kỹ thuật tròn trịa nhưng đầy ắp tình cảm. Từ nghe, học hỏi, ca sĩ yêu thích và ngưỡng mộ lúc nào không hay. Một lần, Lệ Thu tập xong, anh bèn đến hỏi nhỏ: "Sao mà cô hát giỏi quá vậy, học đến đời nào mới hát được như vậy ạ?" . Danh ca tròn mắt, hóm hỉnh nói: "Này, thật không? Gọi bằng 'chị' đi, 'cô' già lắm, lát tôi chỉ cho bí quyết".
Lệ Thu là một trong ba tên tuổi ca sĩ nổi tiếng làng nhạc Việt trước 1975 đến nay, bên cạnh Thái Thanh, Khánh Ly. Bà sinh năm 1943 tại Hải Phòng, tên thật là Bùi Thị Oanh. Do khúc mắc chuyện gia đình, mẹ đưa bà vào Sài Gòn sinh sống khi bà mới 10 tuổi. Khi còn học phổ thông, bà nổi tiếng với ca khúc Tà áo xanh (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Chất giọng của bà được ông chủ phòng trà Bồng Lai để ý, ngỏ lời mời đi hát.
Từ năm 1968 đến năm 1971, tiếng hát Lệ Thu cuốn hút khán giả đến các vũ trường trung tâm Sài Gòn. Nổi tiếng với giọng ca khàn ấm, âm vực rộng, bà được nhiều nhạc sĩ viết tặng riêng các ca khúc: Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), Thu, hát cho người (Vũ Đức Sao Biển)... Thập niên 1970, tên tuổi bà gắn liền với nhạc sĩ Trường Sa với ba sáng tác nổi tiếng của ông: Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau, Mùa thu trong mưa. Bà cũng thành công với nhiều tác giả khác: Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến, Y Vân, Từ Công Phụng... Sau năm 1975, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư, tiếp tục hoạt động nghệ thuật, thu âm nhiều album. Bà qua đời ngày 15/1/2021 ở Mỹ vì Covid-19.
Mai Nhật