Từ khi ông Văn bị khàn tiếng đến lúc phát hiện bệnh chỉ cách 4 tháng. Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng ở khoa Tai mũi họng Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân có u ở 2/3 dây thanh phải lan đến mép trước và u 1/3 dây thanh trái. Các bác sĩ hội chẩn đánh giá đây là ca bệnh khó, khối u đã ở giai đoạn 2-3, nếu mổ bóc u cần phải đảm bảo chức năng thở cũng như nói của bệnh nhân. Các bác sĩ quyết định nội soi cắt dây thanh quản bán phần cho bệnh nhân bằng laser thay vì mổ hở, nạo vét toàn bộ hạch ở cổ.
Bệnh nhân được mổ nội soi cắt dây thanh quản bán phần bằng laser. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Theo bác sĩ Hùng, với cách mổ hở, bác sĩ sẽ phải mở một đường ở cổ dài khoảng 10 cm, bệnh nhân có nguy cơ cao mất máu và dễ mất khả năng nói sau mổ. Mổ bằng laser, thời gian và chi phí đều giảm khoảng một nửa, bệnh nhân ít biến chứng, khả năng nói được sau mổ cao. Với bệnh nhân trên, các bác sĩ chờ kết quả giải phẫu để xem cần xạ trị và hóa trị bổ sung hay không.
Hiện tượng khàn tiếng gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới (trên 60%). Tuy nhiên, khàn tiếng ở nam giới thường nguy hiểm vì đây là dấu hiệu của ung thư thanh quản, đặc biệt ở nhóm người hút thuốc, uống rượu hoặc làm nghề độc hại. Ở Việt Nam, ung thư họng - thanh quản đứng thứ 6 trong 10 loại ung thư phổ biến nam giới.
Ung thư thanh quản hay gặp ở độ tuổi 45-70, trên 90% là nam giới. Nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi rất cao. Tuy nhiên, tại nước ta hầu hết bệnh nhân đến viện muộn do chủ quan.
Bác sĩ khuyến cáo người bị khàn tiếng kéo dài trong 2 tuần mà không khỏi thì cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được phát hiện bệnh và điều trị sớm. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân bị mất tiếng, khó thở tăng dần, khó nuốt... do khối u lớn dần, chèn vào dây thanh quản. Nếu đau lan lên tai hoặc đau khi nuốt thức ăn là bệnh đã ở giai đoạn muộn.
>> Xem thêm:
- 9 dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư
- Tiến trình tế bào ung thư di căn trong cơ thể
Hà An