Báo cáo gửi Sở Y tế thành phố của Công ty GlaxoSmithKline cho thấy văcxin Infanrix Hexa (6 trong 1) năm 2015 cung ứng cho thị trường Việt Nam 38.000 liều, trong đó 4.000 liều cung cấp cho Viện Pasteur TP HCM để nghiên cứu lâm sàng. Tính đến 11/3 số lượng văcxin còn lại để cung ứng cho thị trường TP HCM đến hết năm chỉ còn 16.059 liều.
Số lượng văcxin Varivax ngừa thủy đậu cung ứng năm 2015 của Công ty Merck Sharp & Dohme là 166.000 liều. Đơn vị này đang nộp hồ sơ xin cấp visa tại Bộ Y tế, nếu được chấp thuận sẽ nhập khẩu 170.000 liều cho thị trường Việt Nam năm 2016. Văcxin Varivax ngừa thủy đậu của Công ty Sang Pharma năm 2015 là 300.000 liều, cung cấp cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM.
Trong tình hình thiếu văcxin, Sở Y tế thành phố khuyến cáo người dân sử dụng văcxin Quinvaxem (5 trong 1) theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho trẻ. Quinvaxem là loại văcxin phối hợp phòng ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy hơn 97% trẻ em chích 3 liều cơ bản (2-3-4 tháng) được bảo vệ khỏi bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Hơn 91% trẻ được bảo vệ chống lại bệnh viêm gan B khi tiêm chủng văcxin theo lịch (2-3-4 tháng) mà chưa được tiêm văcxin viêm gan B vào lúc mới sinh.
Ở Việt Nam, mỗi năm có 1,6 triệu trẻ ra đời. Trong khi đó 2 loại văcxin dịch vụ là 6 trong 1 (Infanrix-Hexa) và 5 trong 1 (Pentaxim) năm 2014 chỉ có khoảng 400-500.000 liều. Năm ngoái theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ tiêm được một trong hai loại văcxin trên chỉ bằng 8% so với văxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
TP.HCM đã sử dụng 280.000 nghìn mũi Quinvaxem trong năm 2014. Quá trình theo dõi sau tiêm chủng ghi nhận không có trường hợp phản ứng nặng dẫn đến tử vong, 28 ca phản ứng nhẹ. 2 ca phản ứng nặng đã được xử lý kịp thời không để lại di chứng.
Lê Phương