Thứ sáu, 18/10/2024
Thứ bảy, 5/2/2022, 16:15 (GMT+7)

Khán giả xếp hàng xem kịch Tết

TP HCMHàng trăm khán giả xếp hàng xem Thành Lộc hóa thân nhân vật Cậu Đồng trong kịch Tết, tối 4/2.

Tại sân khấu Idecaf, khán giả chờ từ trước nhiều giờ để chuẩn bị xem "Cậu Đồng" - vở nổi tiếng của sàn diễn này, do nghệ sĩ Thành Lộc đóng chính.

Phòng vé treo bảng đã bán hết vé trong sáu ngày Tết. Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc Idecaf - cho biết sân khấu diễn hai vở - "Cậu Đồng" và "Ngũ quý kỳ phùng", đều "cháy vé" khi mở bán trước nửa tháng. Ông Tuấn nói: "Chúng tôi bất ngờ trước tín hiệu vui, có lẽ vì đã lâu khán giả chưa đi xem kịch, nhớ không khí sàn diễn".

Anh Đào Hiệp Thành (quận Bình Tân) cùng mẹ đi xem kịch ngày Tết. Vốn là fan kịch nói, dù đã xem "Cậu Đồng" trước đó, anh vẫn muốn dẫn mẹ đi xem vở yêu thích của mình. Anh Thành nói: "Tôi phải canh vé từ sớm vì vé Tết hết rất nhanh, nhờ có kinh nghiệm mua vé online rồi mới săn được".

Khán giả xếp hàng trước khu vực kiểm soát vé trước giờ kịch mở màn.

Khi Thành Lộc xuất hiện, nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Vở lấy bối cảnh tại nhà ông Phán (nghệ sĩ Hữu Châu) - một gia đình Nam Trung bộ những năm đầu thế kỷ 20. Thành Lộc đóng vai một nhà tu hành được ông Phán đưa về tôn làm thánh nhân, bất chấp vợ con ngăn cản. Đỉnh điểm của sự mê muội là khi ông Phán hủy bỏ hôn ước của con gái, ép gả cô cho "Cậu". Các thành viên trong gia đình quyết tâm vạch mặt gã thầy đồng.

Trích đoạn vở "Cậu Đồng" - Thành Lộc đóng tại sân khấu Idecaf
 
 

Trích đoạn vở "Cậu Đồng" - Thành Lộc đóng tại sân khấu Idecaf. Video: Nhật Thực

Thành Lộc trong phân đoạn đóng cùng Hương Giang - vai con Sen. 10 năm hóa thân thành Cậu Đồng, nghệ sĩ thuộc lòng từng chuyển biến, cử chỉ của nhân vật trên sân khấu.

Hơn 330 khán giả ngồi kín sân khấu. Những năm gần đây, Idecaf lên kế hoạch tái dựng loạt vở vang bóng một thời. "Bầu" Tuấn nói: "Hàng chục năm qua, lớp khán giả mới đã hình thành. Đây là cơ hội để công chúng trẻ tiếp xúc với các vở kinh điển".

Ở sân khấu 5B Võ Văn Tần, nhóm nghệ sĩ diễn chùm hài kịch "Sướng quá xuân" - tác phẩm lần đầu ra mắt. Bà "bầu" Mỹ Uyên cho biết sân khấu lên ý tưởng cho một mùa kịch từ trước một tháng. Ngoài việc diễn lại các vở cũ, êkíp chuẩn bị một chương trình hài. Mỹ Uyên nói: "Dù khó khăn chồng chất, chúng tôi quan niệm Tết phải có cái mới để phục vụ khán giả".

"Giã từ thần men" là câu chuyện đầu tiên trong chùm hài kịch, lên án tệ nạn pha chế rượu giả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Nghệ sĩ Chánh Trực (trái) bên diễn viên Tuyền Mập. Là đạo diễn của vở, anh chọn thủ pháp dàn dựng hài kịch nhẹ nhàng, mang tiếng cười châm biếm về loạt vấn đề thời sự.

Chùm hài kịch kéo dài ba tiếng, níu chân khán giả đến 23h. Nhiều khán giả cho biết lần đầu đi xem kịch sau gần một năm sân khấu "đóng băng" vì dịch.

Từ cánh gà nhìn ra, nghệ sĩ Mỹ Uyên hạnh phúc khi hàng ghế đầy ắp khán giả. Chị nói: "Với kịch Tết, chúng tôi không đặt nặng tính văn học hay thông điệp sâu cay mà mong mỗi suất diễn mang lại tiếng cười thoải mái nhất đến khán giả, đặc biệt sau một năm nhiều khó khăn".

Nhật Thực