Là liveshow hiếm hoi không bị lùi, hủy lịch vì Covid-19, ban tổ chức chương trình thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch. Toàn bộ khán giả khai báo y tế, đo thân nhiệt từ ngoài cửa. Trong hai tiếng diễn ra chương trình, người xem đều đeo khẩu trang.
Ca sĩ Tùng Dương nói: "Họ đã quên đi sự khó chịu để hoà mình vào âm nhạc, vẫn liên tục vỗ tay cổ vũ các tiết mục. Tôi trân trọng tinh thần tự giác, trách nhiệm bảo vệ cộng đồng của người yêu nhạc thủ đô".
Trong liveshow, các khách mời mang đến nhiều sắc thái Jazz khác nhau, qua bản phối mới của pianist Tuấn Nam - chủ nhân đêm nhạc. Tùng Dương hát nhạc khỏe khoắn, máu lửa bài Thu cạn của Giáng Son. Với bản nhạc nước ngoài - Lullaby Of Birdland, anh thể hiện sôi động, khiến nhiều khán giả vỗ tay theo nhịp.
Thủy Bùi thể hiện nét trầm buồn của Jazz qua bài Cry Me a River. Giọng nữ trung của cô có độ vang tốt, cộng thêm chất khàn và cách hát có nét nhấm nhẳng quyến rũ, đàn bà. Với Route 66, ca sĩ lại thể hiện nét vui tươi, rộn ràng, khiến nhiều khán giả liên tục vỗ tay, đánh nhịp chân theo. Hà Lê đọc Rap trên nền nhạc đệm của dàn kèn trong ca khúc Ở trọ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tác phẩm được phối toát lên màu sắc âm nhạc Hip Hop cuối thập niên 1980, đầu 1990, khi âm hưởng Jazz ảnh hưởng lên Hip Hop, nhạc Rap.
Nếu như phần biểu diễn của các vocal như Tùng Dương, Hà Lê khuấy động không khí khán phòng thì phần hòa tấu của các nhạc công mang đến không khí lắng đọng, khiến người nghe chìm đắm trong các điệu Jazz cổ điển thuần tuý. Tuấn Nam và những người bạn của anh không chơi Smooth Jazz dịu dàng và dễ nghe. Họ phiêu với các bản Jazz cổ điển, có kết cấu trúc trắc, nhiều quãng đảo nhịp ngẫu hứng, bất ngờ.
Pianist Tuấn Nam trình diễn theo lối cổ điển cùng contrabass và trống bản ballad Searching, Finding. Với You Are Too Beautiful của Richard Rodgers, tiếng piano của anh gợi cảm giác lãng đãng, trống vắng. Bản Feel Like Home thể hiện rõ nhất tinh thần đêm nhạc. Ngồi trước piano, lướt phím đàn với phong thái ung dung, tự nhiên. Tiếng piano của anh hòa quyện ăn ý với dàn kèn nhưng không bị mờ. Tên bài hát dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "cảm thấy như ở nhà". Đó cũng là thông điệp Tuấn Nam gửi gắm: với Jazz, anh được là chính mình.
Pianist Tuấn Nam sinh năm 1984, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng học thạc sĩ ngành Piano Jazz ở Thuỵ Điển. Năm 2010, anh từng tổ chức liveshow tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP HCM, với sự góp mặt của nhóm tam tấu Trio Per Oscar Nilsson (Thuỵ Điển) và NSƯT Quyền Văn Minh, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc và thầy giáo của anh - GS. Håkan Rydin (Thụy Điển). Sau đó, anh gia nhập ban nhạc Anh Em. 10 năm gắn bó với ban, anh chơi và khám phá nhiều thể loại nhạc khác. Đầu năm nay, Tuấn Nam rời Anh Em để thoả khát khao chơi, sản xuất và phổ cập nhạc Jazz.
Hà Thu