Đến Lai Châu, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, nơi trập trùng mây núi cùng với dòng sông Đà huyền thoại.
1. Hang động Pu Sam Cáp
Từ thị xã Lai Châu, du khách đi khoảng 6 km về phía tây, đường lên cao nguyên Sìn Hồ sẽ bắt gặp dãy núi đá vôi hình thành từ kỷ nguyên kiến tạo, dạng địa hình Kast tạo nên hệ thống hang động trong lòng núi với nhiều nhũ đá kỳ ảo. Vùng núi đá này có tên Pu Sam Cáp, nghĩa là ba quả núi lớn chồng lên nhau.
Quần thể hang động Pu Sam Cáp rộng 600 ha rất hấp dẫn khách du lịch bởi trong động có không gian rộng và nhiều thạch nhũ được hình thành trong hàng nghìn năm, những cụm đá với những hình thù khác lạ. Thiên Môn và Thiên Đường là hai động trong tổng số các hang động đang đưa vào khai thác.
Có thể dễ dàng nhận ra những nhũ đá rất sống động hình con rồng, tháp ngọc, sư tử và ấn tượng nhất là hình ảnh ruộng bậc thang đá, những dòng nước trong suốt mát lạnh. Du khách sẽ không khỏi bị choáng ngợp trước tạo hóa kỳ vĩ của thiên nhiên với cảnh sắc thơ mộng và huyền ảo, hài hòa giữa không gian của núi rừng Tây Bắc.
2. Thị trấn Sìn Hồ
Sìn Hồ theo tiếng bản địa có nghĩa là nơi có nhiều sông suối, nhiều cánh rừng rập rạp và có cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Có lẽ chính vì vậy mà nơi đây thu hút khách du lịch khi đến Lai Châu.
Nằm ở độ cao 1500 mét so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ cách thị xã Lai Châu khoảng 60km, có khí hậu mát lạnh quanh năm và nhiều thắng cảnh đẹp được bao bọc bởi những biển mây trắng mờ ảo. Du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm không khí tấp nập của phiên chợ cùng các bà con dân tộc: Dao đỏ, Mông, Sila, Cống... với các sản vật vùng cao.
Vào mùa cơm mới, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bản làng rộn rã với những trò chơi, điệu hát bên những thửa ruộng bậc thang đã óng vàng. Trên các ngả đường vào mỗi ngày diễn ra phiên chợ, du khách sẽ thấy khắp các sườn đồi được nhuộm sắc màu thổ cẩm, những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các cô thiếu nữ, các bà, các chị nô nức xuống chợ, trên vai là gùi đựng các sản vật của núi rừng.
3. Bản làng Dào San
Là một xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ, cách thị xã Lai Châu hơn 40 km về phía bắc, nơi đây còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với các bản làng của người dân tộc Mông, Thái, người La Hủ, người Dao. Đến đây, du khách được khám phá các bản làng, tận mắt tìm hiểu về cuộc sống của người dân tộc qua những nét văn hóa chợ phiên.
Trong mỗi phiên chợ, bạn sẽ thấy muôn sắc thổ cẩm được hội tụ. Vào ngày Tết, Dào San còn hấp dẫn với lễ hội Gầu Tào độc đáo, du khách sẽ được nghe những điệu hát, múa đặc sắc và tham gia vào các trò chơi, thưởng thức đặc sản thắng cố của người vùng cao Tây Bắc và uống rượu Sùng Phài. Ngoài ra, bạn còn được tận hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh chẳng kém gì Sa Pa, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc của núi rừng.
4. Chợ phiên
Chợ phiên là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa truyền thống, nơi giao thoa những phong tục tập quán các dân tộc miền núi, vì vậy du khách đến đây không nên bỏ qua những phiên chợ độc đáo, là không gian gặp gỡ, giao duyên của các chàng trai, cô gái, nơi trao đổi các sản vật địa phương của các dân tộc anh em.
Thật thú vị khi trên khắp các ngả đường, từ sáng sớm, từng nhóm người cười nói, tay dắt ngựa thồ hàng hay gùi hàng bằng chính đôi vai rắn chắc của mình để kịp phiên chợ. Trong tiếng ồn ào mua bán, đâu đó ngân nga tiếng khèn của các chàng trai, tiếng hát của các cô gái réo rắt gọi nhau, váy áo đủ sắc màu đổ về chợ, nổi bật trên nền núi biếc, rừng xanh.
Cả núi rừng Tây Bắc như bừng thức dậy theo các bước chân rậm rịch, theo sự náo nức của người đi chợ.
5. Ruộng bậc thang Tả Lèng
Với những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn lượn như những dải lụa mềm quanh các sườn đồi dốc đứng, Tả Lèng hấp dẫn nhiều tay máy mỗi mùa nước đổ hay mỗi mùa lúa chín. Vào tháng 9, 10, khắp nơi vàng óng thơm mùi lúa mới. Ngắm từ xa, ruộng bậc thang như những nấc thang bắc lên những đỉnh núi cao vút giữa bạt ngàn trời mây. Ruộng bậc thang nơi đây mang vẻ đẹp kỳ vĩ của một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn.
Xa xa, bạn có thể ngắm nhìn bản Tả Lèng nhấp nhô với những mái nhà mộc mạc, bình yên trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của núi rừng, bạn như quên hết mệt mỏi để đắm chìm trong không gian yên tĩnh.
6. Bản Vàng Pheo
Bản vàng Pheo nằm cách thị xã Lai Châu khoảng 30 km về phía tây, tựa mình vào núi Phu Nhọ Khọ, phía trước là dòng suối Nậm Lùm uốn lượn quanh co tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của người Thái trắng và là nơi vẫn còn giữ gìn, bảo tồn được những nét văn hóa đặc sắc nhất của người Thái trắng. Bạn sẽ được tìm hiểu về nghề thêu thùa, dệt vải, mây tre đan, đặc biệt là nghề chạm bạc rất nổi tiếng và mua những sản phẩm như vòng cổ, xà tích, trâm cài...
Hiện nay, dân trong bản đã sẵn sàng phục vụ khách du lịch với các dịch vụ như: nghỉ tại nhà dân, ăn uống, biểu diễn văn nghệ, vui chơi giải trí, mua sắm.
Anh Phương