Không ai rõ trò chơi ném còn ngày xuân có từ khi nào, nhưng mỗi mùa xuân lên Tây Bắc, du khách sẽ thấy khắp nơi nơi hoa đào, hoa mơ nở rộ và được tham gia vào lễ hội ném còn độc đáo của người Mông, Thái, Mường... Du khách sẽ được ngắm đủ các loại váy áo sặc sỡ của các thiếu nữ miền sơn cước.
Trò chơi ném còn ở vùng cao thường được tổ chức vào những ngày tết, ngày hội khi mùa màng đã gặt hái xong. Thường trước đó, tại một bãi đất bằng phẳng, người ta đã dựng một cây mai cao từ 9 -15 mét làm cột, trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính khoảng 50 cm, dán giấy mỏng, một bên màu đỏ, một bên màu vàng tượng trưng cho âm dương.
Ngay từ trước lễ hội, các cô gái khéo tay đã chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau. Bên trong quả còn, họ nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải. Họ còn may thêm các tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay. Thường quả còn chỉ có khoảng 4-8 múi, nhưng với người khéo tay, họ có thể may quả còn với 12 múi gồm 12 màu. Ai cũng muốn có quả còn đẹp nhất để đi tung trong ngày hội.
Ngày hội tung còn diễn ra trong không khí náo nhiệt, rộn rã từ sáng mùng một. Trò chơi ném còn không phân biệt lứa tuổi, nên rất nhiều người hào hứng tham gia, mọi người tụ tập đông đúc quây kín sân ném còn.
Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo sẽ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu mong cho bản làng bình yên, mùa màng tươi tốt, trâu lợn đầy đàn, mọi nhà no ấm. Sau đó, thầy mo sẽ tung hai quả còn đã được ban phép để mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi. Tung còn đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo, hai đội chơi sẽ đứng đối diện nhau qua cây còn. Quả còn sẽ được tung lên cao nhằm hướng vòng còn trên đỉnh cột, quả còn vút qua ngọn cột tre, những dây tua ngũ sắc cũng lướt xòe ra với màu sắc rực rỡ trông rất đẹp.
Quả còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc buồn, ốm đau, mọi việc xấu sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm – dương giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.
Nhiều dân tộc như Thái, Mường, Tày có luật chơi ném còn giống nhau. Với người Thái, trò chơi tung còn đưa tới thông điệp mong muốn âm – dương hòa hợp, cầu mong con cái trong nhà đông đúc. Những người Thái hiếm muộn cũng rất hào hứng thi ném còn để cầu tự. Họ cũng hướng quả còn ném thường hướng về đầu nguồn sông, hay suối chính là hướng về các bản làng người Thái.
Với người Tày, trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Trước khi khép hội, thầy mo sẽ rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ.
Còn đối với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh nữ tú gặp nhau, tìm hiểu, là "bà mối" để se duyên. Bên nào thua sẽ phải để lại một vật làm tin, thường người thua sẽ là các chàng trai. Sau lễ hội, chàng trai sẽ quay lại nhà cô gái để xin lại vật đã gửi lại làm tin, là cái cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu tiếp.
Cuộc chơi thường kéo dài suốt mấy ngày hội và chiều buông, họ lại kéo nhau về bản, quầy quần bên bếp lửa và cùng nhau uống rượu, chúc tụng nhau một năm ấm no, trâu gà đầy chuồng, nhà nhà hạnh phúc.
Bài và ảnh: Anh Phương